Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh đà phục hồi yếu

16:08' - 09/07/2016
BNEWS Nhìn lại kinh tế toàn cầu nửa năm qua, điều gây thất vọng là đà phục hồi yếu và tương lai đầy rủi ro.
Kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh đà phục hồi yếu. Ảnh: reuters

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố hồi tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 xuống 2,4%, từ mức 2,9% đưa ra hồi tháng Một, do tăng trưởng trì trệ ở các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng chảy vốn giảm sút trong nửa đầu năm.

Hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng của toàn cầu năm nay xuống 3,2%, nhận định tốc độ tăng trưởng chậm đặt kinh tế thế giới trước những rủi ro.

IMF dự báo, trong 5 năm tới, sản lượng kinh tế toàn cầu có thể giảm 4% so với bình thường.

Trong bối cảnh ảm đạm đó, các chính phủ của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang điều chỉnh chính sách để đảm bảo duy trì các biện pháp kích thích, bảo vệ đà phục hồi còn dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, các biện pháp đối phó mang tính bị động áp đảo những điều chỉnh mang tính chủ động.

Ngày 16/12/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên, cho thấy niềm tin vào nền kinh tế đang gia tăng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Fed sau đó được nhận định rộng rãi là sẽ tăng lãi suất thêm bốn lần, nhưng trong sáu tháng qua vẫn chưa hành động.

Khả năng tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay bớt thuyết phục, nhất là sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu, được gọi là Brexit.

Châu Âu, một nền kinh tế lớn khác, đối mặt với nhiều thách thức trong nửa đầu năm nay như các cuộc tấn công khủng bố, khủng hoảng nhập cư và Brexit.

Hồi tháng Ba, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bất ngờ tung ra các biện pháp kích thích mới để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế còn khiêm tốn ở Khu vực sử dụng đồng euro.

Thị trường thậm chí còn chờ đợi thêm các biện pháp kích thích sẽ được thực hiện hậu Brexit.

Ở Nhật Bản, chính sách kinh tế "Abenomics" đã cho thấy là không hiệu quả, dù phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Ở các nền kinh tế mới nổi như Nga và Brazil, các biện pháp đối phó với việc giá hàng hóa giảm và dòng chảy vốn chậm trong thị trường toàn cầu có phần yếu và không đủ.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều lựa chọn hơn. Trung Quốc đang thúc đẩy các cải cách kinh tế và chứng kiến sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng mang lại kết quả.

Trong quý I/2016, kinh tế nước này tăng trưởng 6,7%, mức cao trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế yếu. Hiện 1/3 tăng trưởng của toàn cầu là nhờ Trung Quốc.

Ở Ấn Độ, Chính phủ nước này đang đẩy nhanh cải cách kinh tế và gần đây thông báo các biện pháp để tăng cường đầu tư nước ngoài trong chín lực vực, nhằm mở cửa nền kinh tế.

Cho đến nay, đà phục hồi kinh tế thế giới không theo hình chữ "V" hay chữ "U" như nhiều người dự đoán, mà nghiêng nhiều theo hình chữ "L".

Theo nhà kinh tế nổi tiếng người Mỹ Larry Summers, sự trì trệ sau khủng hoảng kinh tế đã qua, lãi suất thấp và tăng trưởng thấp sẽ cùng tồn tại trong dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục