Kỳ vọng nào cho thị trường chứng khoán năm 2018?

10:41' - 20/01/2018
BNEWS Tăng trưởng kinh tế cộng với quá trình thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp liệu có phải là bước đệm quan trọng cho thị trường chứng khoán năm 2018 phát triển?
Bước đệm cho thị trường chứng khoán năm 2018. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Những bước tiến ngoạn mục của thị trường chứng khoán trong năm 2017 như chỉ số VN-Index tăng 48%, thanh khoản thị trường tăng mạnh, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được đưa vào vận hành, khối ngoại mua ròng tương đương mức mua ròng 10 năm trước cộng lại (từ 2006 đến 2016).... cùng những nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế, thoái vốn nhà nước... được giới phân tích và nhiều nhà đầu tư coi là bước đệm vững chắc cho sự phát triển của thị trường chứng khoán năm 2018.
Kỳ vọng lớn
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng đạt 6,7%, cùng với lạm phát bình quân khoảng 4%, nợ công 63,9% GDP. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phấn đấu đạt 34% GDP, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội lên khoảng 41%.
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ông khá lạc quan về nền kinh tế vĩ mô, khả năng tăng trưởng kinh tế đất nước và sự hồi phục của kinh tế thế giới trong năm 2018.
Ông Bằng cho rằng, giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào có sự hồi phục nhưng sẽ không đến mức độ tăng cao. Vì vậy, năm tới có khả năng cao Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng, ổn định lãi suất, lạm phát.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) Trần Lê Minh, năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có thể duy trì được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài bởi vì họ nhìn thấy những cơ hội tại thị trường Việt Nam.
Cơ hội đến từ sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô có sự tích cực và rõ ràng.
Cơ hội cũng đến từ việc bán vốn của nhà nước. Điểm đặc biệt của bán vốn Nhà nước năm 2018 là khối lượng thanh khoản Nhà nước bán ra đủ lớn, dẫn đến các giao dịch quy mô lớn và nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao cho những giao dịch đó.
“Việc thoái vốn quy mô lớn này trước đây chưa từng có và nó chỉ bắt đầu từ quý IV năm 2017 và sẽ tiếp tục trong năm 2018.”- ông Minh nói.
Theo đó, ngay trong quý I/ 2018, sẽ thoái vốn nhà nước tại 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) có tổng vốn gần 100.000 tỷ đồng.
Dự kiến, trong danh sách thoái vốn năm 2018 sẽ có một số doanh nghiệp lớn khác như Tập đoàn Cao su Việt Nam vốn điều lệ khoảng 50.000 tỷ đồng, Tổng Công ty Bia rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC…
Ngoài ra, trong kịch bản lạc quan, thị trường chứng khoán Việt Nam được đưa vào trong danh sách theo dõi của MSCI (Tổ chức chuyên cung cấp các công cụ hỗ trợ nhà đầu tư có tổ chức trong việc ra quyết định đầu tư, chủ yếu là các quỹ hưu trí và các quỹ phòng ngừa rủi ro) trong năm 2018 thì cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được gia nhập bộ chỉ số này trong năm 2019 là rất cao. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đây là một trong những cơ hội lớn.
Theo thống kê, các thị trường khác trên thế giới đều tăng trưởng rất lạc quan khi gia nhập bộ chỉ số MSCI.
Ông Minh cho rằng, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì và còn có thể được kéo dài sang năm 2019.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ từ câu chuyện quyết tâm của Chính phủ trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng đến dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới đều rất khả quan.
Đặc biệt dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán năm qua đã tăng lên rất nhiều, vì vậy sức cầu hiện nay trên thị trường chứng khoán là có thật và rất tốt.
Thực tế, dòng tiền đang ồ ạt đổ vào thị trường giúp chỉ số VnIndex vượt xa mức 1.000 điểm. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 10/1, VN-Index đạt 1.038,11 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt tới hơn 10.601,6 tỷ đồng, một con số kỷ lục mới về thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Nếu chúng ta liên tưởng lại những đợt tăng của trước đây, như đợt tăng của thị trường chứng khoán những năm 2006 - 2007 thì rõ ràng là đợt tăng này bền vững hơn rất nhiều, cả về phương diện dòng vốn và phương diện nền kinh tế vĩ mô”, ông Dũng cho biết.
Cần thận trọng
Mặc dù thị trường đang trong xu thế tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhiều chuyên gia cũng đưa ra cái nhìn khá thận trọng cho giai đoạn tăng trưởng năm 2018.
Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp, chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho biết, đối với thị trường chứng khoán, sự lạc quan thái quá cũng chính là một chỉ báo cho khả năng tạo đỉnh.
Với môi trường kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế thuận lợi hiện nay, không khó để thấy các dấu hiệu cho sự lạc quan thái quá của nhà đầu tư như những phiên giao dịch 10.000 tỷ đang diễn ra, gấp đôi quy mô giao dịch 1 năm trước.
Định giá chứng khoán đang ở mức cao nhất trong lịch sử (chỉ thua giai đoạn 2007) với P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) của thị trường chung là hơn 20 lần, tương đương với mức định giá P/E của các thị trường quốc tế đã phát triển như S&P500 (Mỹ), DAX (Đức) Nikkei (Nhật).
Mức P/E dự tính cho năm 2018 là 17.9 lần (theo Bloomberg) cũng cao hơn nhiều so với mức trung bình của các thị trường mới nổi là 12.4 lần.
Bên cạnh đó, cho vay margin (cho vay ký quỹ) tại các công ty chứng khoán đang ở mức cao. Nhiều công ty phải phát hành thêm trái phiếu hay trái phiếu chuyển đổi để có nguồn lực cung cấp margin cho nhà đầu tư cho thấy một bộ phận nhà đầu tư đang sử dụng mạnh tiền vay để đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn.
Theo dõi các đợt tăng trưởng mạnh trong quá khứ của chỉ số chứng khoán tại Việt Nam và các nước trong khu vực như Trung Quốc, có thể nhận thấy với sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân với đòn bẩy cao, thị trường thường tăng rất nhanh trong một giai đoạn ngắn nhưng chỉ cần một thay đổi nhỏ trong bức tranh vĩ mô có thể dẫn tới những đợt điều chỉnh tương đối mạnh của thị trường.
Đối với năm 2018, có một lo ngại lớn nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự tính sẽ tiếp tục tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 (dự tính vào tháng 3, tháng 9 và tháng 12/2018), đồng thời Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang giảm quy mô bảng cân đối tài sản của mình và dự tính sẽ giảm mạnh kể từ tháng 10/2018.
Điều này có thể dẫn tới lượng tiền đầu tư trên toàn cầu sụt giảm; dòng tiền đầu tư trở lại Mỹ; đồng đô la tăng giá và mặt bằng lãi suất các nước điều chỉnh để duy trì cân bằng lãi suất với Mỹ.
Đây đều là những nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng của thị trường chứng khoán các nước mới nổi; trong đó có Việt Nam.
Do đó, thị trường có thể sẽ tăng mạnh vào đầu năm nhưng sẽ gặp nhiều rủi ro đặc biệt trong 2 quý cuối năm 2018.
Đồng quan điểm, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những lo ngại nhất định. Nguyên nhân là nội tại nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều thách thức bên cạnh những tín hiệu lạc quan.
Ví dụ mức lãi suất trung bình 5 năm trở lại đây của Việt Nam cao gấp đôi Trung Quốc và gần gấp đôi Malaysia. Như vậy, chi phí vốn kinh doanh tại Việt Nam rất cao. Điều này tạo ra thách thức lớn cho nền kinh tế, và đó cũng là điểm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Tín cũng cho rằng, các quy định về pháp luật của Việt Nam hầu như là đầy đủ, hoàn thiện, nhưng tính thực thi pháp luật còn yếu. Vấn đề nữa là trong những mã ngành bluechips dẫn dắt thị trường cũng còn có rủi ro./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục