Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 2: Ngưỡng thử thách

19:28' - 19/12/2017
BNEWS Mặc dù thời gian qua Vn-Index liên tục chinh phục những điểm số kỷ lục, nhưng thị trường đang chứng kiến phần lớn nhà đầu tư trong tình trạng không có lãi, thậm chí có một số nhà đầu tư còn lỗ nhẹ.
Thời gian qua Vn-Index liên tục chinh phục những điểm số kỷ lục. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngưỡng kỷ lục cũng sẽ là ngưỡng thử thách các nhà đầu tư nên mua vào hay bán ra.

Bài học trong quá khứ cho thấy, tâm lý "nhảy sóng', chạy theo đám đông của thị trưởng chứng khoán sẽ là cạm bẫy nhấn chìm những nhà đầu tư theo kiểu may rủi, phần thắng vẫn thuộc về nhà đầu tư chuyên nghiệp và có khả năng xử lý các con số cũng như dự báo đúng tình hình.

*Thị trường tăng điểm nhưng tài khoản không tăng

Anh Trần Văn Toản, một nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, trên thị trường chủ yếu là các mã cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá.

Những nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó để mua được cổ phiếu vốn hóa lớn nên hầu như trong thời gian thị trường tăng điểm chỉ có nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư có tổ chức thu lợi còn nhà đầu tư nhỏ lẻ dường như đứng ngoài cuộc chơi.

Anh Toản cũng cho rằng, vấn đề ở đây là thị trường lên rất mạnh mà tài khoản nhà đầu tư tăng không tương xứng khiến nhiều nhà đầu tư khá thất vọng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, câu chuyện đầu tư vẫn là giải quyết 3 câu hỏi: đầu tư cổ phiếu gì? thời điểm nào? và nắm giữ bao lâu?

Việc thị trường vượt các đỉnh mới hoặc tiếp tục sẽ lên các mốc mới chắc chắn sẽ có dấu ấn của các cổ phiếu vốn hóa lớn - các cổ phiếu ít nhiều không được "ưa chuộng" bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ vì nguồn lực tài chính hạn chế.

Các cổ phiếu lớn, cổ phiếu hàng đầu các ngành thường tăng mạnh ở các trend (xu hướng di chuyển được xem xét trong phân tích kỹ thuật) lớn của thị trường lại chỉ được các quỹ lớn, tự doanh hoặc các nhà đầu tư lớn giao dịch.

Như vậy, có thể phần nào hiểu được tâm lý cũng như chiến lược giao dịch của các nhóm nhà đầu tư khác nhau và hiểu được tại sao các giao dịch ngắn hạn thường thua lỗ hoặc sai lầm khi lựa chọn các cổ phiếu yếu kém.

“Nhìn chung tôi ủng hộ phong cách đầu tư chuyên nghiệp với tầm nhìn dài hơn là việc giao dịch ngắn. Hãy chọn cổ phiếu tốt mức giá hợp lý để mua vào với nắm giữ đủ lâu sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư”, ông Khánh khuyến nghị.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận chiến lược Thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Công ty Chứng khoán Công Thương - VietinBankSc), thị trường có mức tăng trưởng cao kể từ đầu năm là hoàn toàn có cơ sở vì thế việc các cổ phiếu trụ cột “kéo” thị trường để chinh phục các đỉnh cao mới vẫn nằm trong xu hướng chung đó.

Nhìn lại các cổ phiếu trụ cột tăng giá trong thời gian qua có thể thấy đây là các cổ phiếu đầu ngành, có sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, mặt khác những cổ phiếu này cũng có kết quả kinh doanh hết sức khả quan và còn dư địa tăng trưởng trong năm, hệ quả là kết quả đạt được đã phản ánh vào giá, thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Do vậy việc thị trường tăng nhưng niềm vui lại không chia đều cho tất cả là do có sự đón đầu xu thế dòng tiền ngoại đang và sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam và đây cũng là hiện tượng chưa từng có trên thị trường từ trước đến nay khiến nhà đầu tư bất ngờ trong thời gian vừa qua, ông Hưng chia sẻ.

* Cổ phiếu nào dẫn sóng trong thời gian tới?

Với diễn biến của thị trường hiện tại các chuyên gia đã đưa ra những nhận định về thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ông Ngô Quốc Hưng cho rằng, hiện quá trình IPO và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước đang là tâm điểm của thị trường và là địa chỉ tìm đến của các nhà đầu tư ngoại.

Jardine Cycle & Carriage là một trong những cái tên như thế. Họ sẵn sàng trả giá mua cao hơn so với mặt bằng giá hiện tại và đó là những động lực quan trọng giúp thị trường bứt phá.

Vì vậy, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ tập trung ở danh mục IPO và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, ngoài ra các nhóm cổ phiếu khác cũng được chú ý như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ,…

Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), các nhóm cổ phiếu tăng trưởng tốt trong thời gian tới có lẽ vẫn là các nhóm ngành chủ chốt như ngân hàng, xây dựng và vật liệu, bất động sản, thực phẩm ăn uống, dầu khí....

Đó sẽ là những ngành thu hút sự quan tâm từ phía nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu chu kỳ như dầu khí, thép, hóa chất, hay các nhóm cổ phiếu tăng trưởng như nhóm ngành dược phẩm, công nghệ thông tin cũng có tiềm năng tốt trong năm 2018.

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight cho rằng, cổ phiếu bluechips sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường và đặc biệt hấp dẫn là cổ phiếu ngành hàng không.

Hiện nay ngành hàng không đã có sự cạnh tranh rất lớn và tạo ra được lợi nhuận rất hấp dẫn.

Ngành hàng không trong 1 đến 2 năm gần đây có thị phần tăng trưởng vượt bậc, cho nên cổ phiếu của ngành hàng không nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu của ngành ngân hàng, cổ phiếu ngành dầu khí sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường tăng trưởng trong thời gian tới.

Chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS Nguyễn Việt Đức cho rằng, với việc Chính phủ đẩy mạnh thoái vốn nhà nước và niêm yết các nhóm tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước, bức tranh cổ phiếu sẽ có thay đổi rất lớn trong năm 2018.

Theo ông Đức, có lẽ từ 1/3 đến 1/2 cổ phiếu hiện tại đang ở trong rổ VN30 có thể bị thay thế. Dòng tiền hiện rất quan tâm đến những đợt bán vốn nói trên và đây sẽ là địa chỉ hút dòng tiền trong năm 2018.

“Chúng tôi lạc quan với xu thế của cổ phiếu bất động sản, hàng tiêu dùng, phát triển dầu khí hạ tầng (lọc dầu, gas) là những nhóm cổ phiếu hiện vẫn có định giá tương đối rẻ so với mặt bằng thị trường chung”, ông Đức nói.

Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn điều chỉnh sâu sau khi tăng mạnh trong thời gian gần đây. Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, thời gian qua dòng tiền chủ yếu tập trung vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền sau khi chốt lời ở nhóm vốn hóa lớn sẽ “chảy” sang nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, theo đó sẽ giúp chỉ số duy trì được ở mức cao như hiện nay./.

Văn Giáp

Bài 3: Liệu kịch bản năm 2007 có lặp lại?

Xem thêm:

>>>Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bài 1: Xu hướng đi lên chưa kết thúc

>>>Chứng khoán châu Á theo chân Phố Wall nối dài đà lên điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục