Lắp đặt công tơ điện tử tại 21 tỉnh, thành miền Nam

10:33' - 09/03/2017
BNEWS Trên địa bàn 21 tỉnh, thành miền Nam đã có hơn 65% khách hàng khu vực thành phố, thị xã đã lắp đặt công tơ điện tử PLC trong đo đếm điện năng.
Công nhân Điện lực Châu Đốc kiểm tra và tuyên truyền lắp đặt công tơ điện tử tại nhà dân. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, đến nay tất cả 21/21 UBND tỉnh, thành phố phía Nam thuộc địa bàn quản lý kinh doanh điện của Tổng công ty đều thống nhất triển khai lắp đặt đại trà công tơ điện tử công nghệ PLC toàn tỉnh/thành phố.

Đến thời điểm này, đã có hơn 65% khách hàng khu vực thành phố, thị xã đã lắp đặt công tơ điện tử PLC trong đo đếm điện năng. Mục tiêu của Tổng công ty Điện lực miền Nam đến năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 100% khách hàng khu vực thành phố, thị xã và ít nhất có 25% khách hàng thuộc khu vực nông thôn đều được lắp đặt công tơ điện tử đo ghi xa theo công nghệ PLC.

Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, hệ thống công tơ điện tử theo công nghệ PLC (công nghệ truyền dữ liệu công tơ trên đường dây dẫn điện) có độ chính xác cao, an toàn, có khả năng cung cấp các điều kiện nâng cao dịch vụ đến khách hàng như phát hiện tình trạng mất điện, rò điện, mất an toàn điện trong mạng điện nhà khách hàng qua cảnh báo (bằng đèn) tại công tơ hoặc từ hệ thống cảnh báo trung tâm quản lý của Điện lực. Qua ứng dụng tiện ích này, phía Điện lực sẽ thông tin sử dụng điện khác đến khách hàng qua giao diện Web…..

Theo ông Nguyễn Phước Đức, hiện nay toàn bộ hoạt động ghi chỉ số công tơ điện của ghi điện viên đều thực hiện trên thiết bị di động (Smart phone) và chuyển dữ liệu về Điện lực qua hệ thống mạng viễn thông. Đối với khu vực lắp đặt công tơ điện tử PLC việc ghi điện đồng thời và tự động từ xa qua việc truyền dẫn dữ liệu tiêu thụ điện năng từ công tơ điện tử trên đường dây dẫn điện đến trung tâm thu thập dữ liệu tại Điện lực.

Công nhân Điện lực Châu Đốc kiểm tra và tuyên truyền lắp đặt công tơ điện tử tại nhà dân. Ảnh: TTXVN

Đối với khách hàng có trạm biến áp riêng đã lắp công tơ điện tử được ghi điện từ xa theo công nghệ không dây GPRS/3G. Trong năm 2017 các ghi điện viên sẽ được trang bị máy in ứng dụng công nghệ Bluetooth để có thể in thông báo chỉ số đến khách hàng ngay khi ghi điện xong, dự báo số tiền điện phải trả để khách hàng có điều kiện kiện kiểm tra đối chiếu với kết quả sử dụng điện hàng tháng.

Đặc biệt, khách hàng có thể tra cứu chỉ số, thông tin hóa đơn tiền điện trên tất cả địa chỉ website Điện lực hoặc Trung tâm chăm sóc khách hàng tại địa chỉ http://cskh.evnspc.vn hay điện thoại số 19001006 sau kỳ ghi điện hàng tháng.

Tại Công ty Điện lực An Giang, ông Vương Thoại Đình, Giám đốc Điện lực Châu Đốc cho biết, với tổng số 23.000 khách hàng, hiện lưới điện quốc gia đã phủ khắp thành phố Châu Đốc. Ngoài việc phủ kín lưới điện đến các xã biên giới, Điện lực Châu Đốc còn đẩy mạnh tuyên truyền tới bà con việc triển khai lắp đặt hệ thống đo đếm công tơ điện tử.

“Trước 2 tháng lắp đặt, Điện lực Châu Đốc gửi thông báo đến tận khách hàng. Và khi lắp đặt công tơ điện tử, người dân không chỉ kiểm soát được lượng điện tiêu thụ, quan sát được lượng điện rò rỉ sau công tơ và không phải gặp phiền hà khi hàng tháng có công nhân đến ghi chỉ số. Đối với Điện lực thì chuyển được số lao động ghi chỉ số công tơ sang công việc kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ điện năng của khách hàng”, ông Đình nói.

Ông Phù Thanh Vũ, ngụ tại 246 Thủ Khoa Nghĩa, phường A, có cửa hàng ăn nổi tiếng ở thành phố Châu Đốc cho biết, được Điện lực Châu Đốc đến tuyên truyền và cung cấp thông tin, nhà ông lắp đặt công tơ điện tử từ năm 2016.

“Bình quân mỗi tháng nhà phải trả từ 3,5-3,7 triệu đồng tiền điện. So với trước khi lắp đặt thì mức tiêu thụ điện cũng như mức tiền phải trả không xê dịch gì. Tôi cũng thấy xung quanh hàng xóm không ai phàn nàn về hóa đơn tiền điện tăng bất thường. Quan trọng là chúng tôi giám sát được mức tiêu thụ điện hàng ngày, khỏi mất công ngành điện gọi ra coi để đọc số hàng tháng”, ông Vũ nói.

Còn ông Chung Văn Phú ngụ tại 113 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc cho biết, gia đình ông đã lắp đặt công tơ điện tử từ năm 2015.

Ông nhận xét: “Công tơ điện tử có hệ thống đo đếm chính xác. Dùng ít thì trả tiền ít còn dùng nhiều thì trả tiền nhiều. Sử dụng điện toàn bộ trong sinh hoạt gia đình nên bình quân hàng tháng gia đình tôi phải trả tiền điện từ 1-1,1 triệu đồng.

Nhà lại đóng cửa suốt ngày nên khi lắp loại công tơ này sẽ rất thuận tiện cho gia đình không bị làm phiền khi có người đến ghi chỉ số điện hàng tháng. Đặc biệt tôi còn sợ loại tội phạm giả danh người ngành điện vào ghi chỉ số công tơ để lấy cắp tài sản trong nhà?”

Vì vậy ông Phú đề xuất nên phổ biến tuyên truyền loại hình công tơ điện tử rộng rãi hơn trong nhân dân để mọi người được hưởng tiện ích của công nghệ mới này.

Với nhà bà Nguyễn Thị Trang, chủ nhà trọ Bảy Tài ở 877, tổ 16, khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc thì chưa vào diện được thay thế công tơ điện tử. Với 5 phòng trọ, bình quân mỗi tháng, nhà bà phải trả tiền điện từ 800.000 – 1,4 triệu đồng, được cán bộ Điện lực Châu Đốc đến tuyên truyền về lợi ích của việc lắp đặt công tơ điện tử, bà ưng lắm và bày tỏ :“Cuộc sống ngày càng đi lên thì con người ta cũng hướng đến phải dùng cái mới chứ”.

Thực tế cho thấy, thí điểm triển khai lắp đặt hơn 2.000 công tơ điện tử trong hai năm 2015-2016 tại khu vực chợ Châu Đốc, sau khi nhận được ý kiến phản hồi tích cực của người dân, năm nay, Điện lực Châu Đốc có kế hoạch lắp đặt thêm 5.300 công tơ điện tử nữa cũng tại khu vực này, trước khi có kế hoạch nhân rộng ra toàn thành phố.

Đối với việc thu tiền điện, ngoài phương pháp thu truyền thống tại nhà khách hàng và thanh toán theo hình thức Ủy nhiệm chi, chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã hợp tác với nhiều ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán điện tử khác như EcPay, Viettel, Payoo, VNPay....

Đồng thời tạo điều kiện để khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua ứng dụng thanh toán trực tuyến tại hệ thống ATM, tại các điểm giao dịch của ngân hàng, thanh toán tiền điện trực tuyến qua Smartphone, qua trang Web.

Khách hàng có thể thanh toán tiền điện tại tất cả các quầy thu tiền điện của Điện lực tại 21 tỉnh/thành phố thuộc địa bàn quản lý kinh doanh điện của Tổng công ty mà không phân biệt khu vực mua điện.

Trong năm 2017, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ mở rộng hợp đồng liên kết với các tổ chức trung gian thanh toán để tạo điều kiện cho khách hàng có thể trả tiền điện tại địa điểm gần nơi cư trú của khách hàng, tại các quầy thu khác như: siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng điện thoại, các quầy thu tại các trụ sở UBND xã, huyện, Bưu cục .... /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục