Liệu Mỹ có sao nhãng sự chú ý đối với Đông Nam Á?

06:30' - 27/05/2017
BNEWS Chiến lược mới của Mỹ liên quan đến lĩnh vực quân sự và hướng tới việc củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, cũng như quan tâm đặc biệt đến vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump liệu có sao nhãng sự chú ý đối với Đông Nam Á? Ảnh: AFP/TTXVN

Theo mạng tin russiancouncil.ru, Đông Nam Á đã nhiều lần hứng chịu hậu quả của những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 và kẻ thù mới là chủ nghĩa khủng bố quốc tế càng khiến Chính quyền Mỹ lúc đó sao nhãng sự chú ý đối với Đông Nam Á

Vào đầu thế kỷ 21, hàng loạt chuyên gia và nhà hoạt động chính trị đã nỗ lực chứng minh vai trò ưu tiên của Đông Nam Á đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.  

Do khu vực này có nhiều nước đông dân theo đạo Hồi, nên Đông Nam Á thậm chí còn được coi không chính thức là mặt trận thứ hai chống chủ nghĩa khủng bố. Các cuộc tấn công khủng bố tại Indonesia năm 2003, gia tăng bất ổn tại các khu vực theo đạo Hồi của Thái Lan và Philippines dường như càng khẳng định thực tế đó. 

Tuy nhiên, trên thực tế chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ lại vấp phải sự xa lánh chứ không phải ủng hộ từ các nước trong khu vực. 

Hồi tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu trước Quốc hội Australia, tuyên bố bắt đầu chiến dịch “hướng Đông” của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương, tưởng như giờ của Đông Nam Á đã điểm. 

Quả thật, Mỹ đã quay sang châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng ở nhiều khía cạnh. Chiến lược mới của Mỹ liên quan đến lĩnh vực quân sự và hướng tới việc củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, cũng như quan tâm đặc biệt đến vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông.  

Các chuyến thăm cấp cao của Mỹ càng tăng cường chú ý đến khu vực này. Trong thời gian làm Tổng thống, ông Obama đã thăm Đông Nam Á 9 lần, bao gồm cả chuyến thăm Myanma và Lào, nơi chưa từng có một Tổng thống Mỹ nào đặt chân tới. Các trung tâm phân tích hàng đầu của Mỹ tích cực thúc đẩy đề tài quan hệ của Mỹ với khu vực. 

Trung tâm Đông-Tây chuyên nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Honolulu thậm chí còn công bố loạt bài viết về lý do tại sao khu vực này và một số nước trong khu vực lại quan trọng đối với Mỹ. Chính quyền của ông Obama cũng chú trọng đến Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hệ thống các thể chế khu vực đa phương gắn liền với Hiệp hội này. 

Những tiến triển nêu trên trong quan hệ của Mỹ với Đông Nam Á đều bất ngờ bị "đóng băng" khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 1/2017 của ông Trump có nghĩa là một sự cắt đứt hoàn toàn với đường lối của ông Obama. Hậu quả là quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực rơi vào tình huống khó xử cho đến nay.  

Nếu như các nước Đông Nam Á đã từng là đối tượng toàn cầu hóa do chính các tập đoàn xuyên quốc gia của Mỹ đề xuất và đã bị buộc phải thích ứng với quá trình đó, thì giờ đây chính nước Mỹ lại bị thiệt hại từ quá trình toàn cầu hóa do việc chuyển sản xuất ồ ạt sang châu Á. 

Việc ngừng TPP có nghĩa là trong ngắn hạn, Mỹ từ chối vị thế hàng đầu trong thúc đẩy tự do hóa kinh tế tại khu vực. Hơn thế nữa, các nước trong khu vực thực sự lo ngại Mỹ sẽ quay trở lại chính sách bảo hộ.

Ngay sau khi Mỹ rút khỏi TPP, khu vực này bắt đầu đưa ra các phương án xem lại thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia của Mỹ thì khó mà đạt được hiệu quả kinh tế. 

Triển vọng hợp tác kinh tế của Mỹ với các nước khu vực bị ảnh hưởng rõ rệt sau sắc lệnh ngày 31/3/2017 của Tổng thống Trump về việc điều tra các nước mà Mỹ có thâm hụt cán cân thương mại bền vững.

Trong bức tranh đầy mâu thuẫn về hợp tác kinh tế giữa Mỹ với Đông Nam Á, sự mất cân bằng gia tăng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương lấn át các vấn đề về quân sự-chiến lược khiến giới chuyên gia lo ngại. 

Ưu tiên dành cho các liên minh song phương (trước hết là với Nhật Bản và Hàn Quốc) song song với nỗ lực đẩy gánh nặng tài chính về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực cho các đồng minh châu Á càng khiến tình hình thêm khó xác định.

Việc Mỹ bố trí THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc và gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 4 vừa qua đã đẩy tầm ngắm của diễn biến quân sự chiến lược khu vực sang phía Đông Bắc Á. 

Thêm một tín hiệu báo động khác đối với Đông Nam Á là trọng tâm của ông Trump được đặt vào quan hệ song phương. Điều đó gây ra nghi ngờ về đường lối tương lai của Mỹ đối với các thể chế khu vực của châu Á - Thái Bình Dương. 

Vấn đề hợp tác với các nước Đông Nam Á được trao cho Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ngày 20/4, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, ông Penke đã thăm Indonesia. Ngày 4/5 tại Washington đã diễn ra cuộc gặp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Tillerson. 

Chuyến thăm của ông Pence và cuộc gặp của ông Tillerson chứng tỏ sự chú ý của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á chỉ ở mức thứ yếu. Các nước này đã nỗ lực đáng kể để thuyết phục Mỹ rằng Đông Nam Á có ý nghĩa kinh tế lớn với Mỹ. 

Theo cuộc thăm dò trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tiến hành đối với người dân các nước Đông Nam Á, 46,3% số người được hỏi cho rằng hình ảnh cường quốc toàn cầu của Mỹ đã xấu đi kể từ khi ông Trump lên nhậm chức.

Hơn 43% số người được hỏi cho rằng Đông Nam Á không hấp dẫn Chính quyền mới của Mỹ và mức độ tham gia của Mỹ vào khu vực này sẽ suy giảm. 

Trong trường hợp chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực tiếp tục được tiến hành như hiện nay, dường như các nước Đông Nam Á sẽ phải đẩy mạnh chính sách cân bằng truyền thống của mình và tích cực hơn trong việc tìm kiếm bên thứ ba, bao gồm Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Nga./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục