Lý do Indonesia chào đón lao động người nước ngoài

06:30' - 05/05/2018
BNEWS Theo báo Jakarta Post, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) mới ký ban hành quy địnhvề việc sử dụng lao động người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc vốn chiếm đa số tại đất nước vạn đảo.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP/TTXVN

Quy định số 20/2018 về việc sử dụng lao động người nước ngoài sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 7/2018. Tuy nhiên, dư luận xã hội đã có những phản ứng trái chiều đối với quy định này.

Thứ nhất, các đảng đối lập và một số tổ chức Hồi giáo bảo thủ tại Indonesia có xu hướng đánh giá chính sách mới của chính phủ qua lăng kính chính trị, đặc biệt khi vấn đề lao động phổ thông người nước ngoài đang tạo ra những vấn đề phức tạp ở trong nước.

Thứ hai, dư luận xã hội cho rằng Chính phủ Indonesia ban hành quy định mới vào thời điểm hiện tại là không hợp lý, nhất là khi cuộc bầu cử địa phương cũng như bầu cử tổng thống vào tháng 4/2019 đang đến gần.

Quy định mới của Chính phủ Indonesia nhằm tích cực kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia trong đó có việc sử dụng các lao động phổ thông của Trung Quốc khi các lao động phổ thông của Indonesia không đáp ứng được yêu cầu.

Quy định nêu rõ, Chính phủ Indonesia yêu cầu các các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương, chỉ khi các lao động địa phương không đáp ứng được công việc cụ thể mới tuyển dụng lao động người nước ngoài. Việc tuyển dụng lao động người nước ngoài chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Lao động.

Thời gian qua có nhiều ý kiến không đồng tình với Chính phủ của Tổng thống Jokowi về việc cho phép nhiều lao động phổ thông người Trung Quốc làm việc ở nước này.

Tuy nhiên, những quan điểm này không được Chính phủ Indonesia chấp nhận bởi theo giải thích của Bộ Lao động Indonesia, tổng số lao động nước ngoài được cấp phép ở Indonesia vào đầu năm nay chưa đến 100.000 người, bao gồm lao động phổ thông, giám sát viên, các nhà quản lý, giám đốc điều hành và các nhà tư vấn. Con số này là không đáng kể so với lực lượng lao động của cả nước là 125 triệu người.

Số người lao động Indonesia ở nước ngoài, bao gồm chủ yếu là công nhân xây dựng, công nhân trồng trọt và người giúp việc ở Malaysia, Trung Đông, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Đặc khu Hành chính Hong Kong và Singapore, ước tính khoảng 6-9 triệu người.

Quy định mới buộc các công ty có ý định tuyển dụng lao động nước ngoài phải báo cáo cho Bộ Lao động và phải được cấp phép. Theo đó, quy định cụ thể về lý do, thời gian tuyển dụng, loại nghề nghiệp và thời gian chuyển giao kỹ năng cho công nhân địa phương.

Tuy nhiên, trong trường hợp dự phòng hoặc nhu cầu khẩn cấp cho người lao động nước ngoài hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian nhất định, người sử dụng lao động có thể đề xuất kế hoạch khẩn cấp và Bộ Lao động Indonesia sẽ khẩn trương thẩm định, trả lời kết quả trong vòng hai ngày.

Quy định này được đưa ra nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm thực hiện các dự án mà lao động người Indonesia chưa thể đáp ứng được.Trong mọi trường hợp, nếu các dự án có công việc mà lao động địa phương đáp ứng được thì phải sử dụng lao động địa phương.

Indonesia hiện cần nguồn vốn khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng trong nước, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quốc gia hàng đầu cung cấp nguồn vốn này. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc vào cuối năm 2015 đã cho ba ngân hàng nhà nước của Indonesia là Mandiri, BNI và BRI vay 3 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Các khoản đầu tư này chủ yếu sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng như phát triển điện lưới, vận tải đường sắt và mở rộng các sân bay, bến cảng. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới cũng cam kết sẽ dành cho Indonesia khoản vay trị giá 30 tỷ USD để phát triển lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Indonesia.

Hơn nữa, Trung Quốc và Indonesia ngày 14/4 vừa qua đã ký 5 hợp đồng trị giá 23,3 tỷ USD theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chính phủ Trung Quốc để phát triển các dự án nhà máy điện cũng như đường bộ, đường sắt của Indonesia.

Trên thực tế, các khoản vay dài hạn này đi kèm với một số điều kiện nhất định: Các khoản cho vay sẽ được mở rộng cho các công ty nhà nước ở Indonesia có vốn liên kết với các công ty của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và khoảng 30% trong tổng số các khoản vay sẽ được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ (NDT), nhằm tăng cường quốc tế hoá đồng tiền này của Trung Quốc.

Indonesia chấp nhận việc vay bằng đồng NDT, tuy nhiên họ cũng tăng cường việc giám sát, quản lý các dự án này để tránh những rủi ro. Indonesia cho rằng, hiện nay đồng NDT đã trở thành đồng tiền được sử dụng rộng rãi thứ năm trên thế giới, sau các đồng tiền khác như USD, euro, bảng Anh và yên Nhật Bản.

Indonesia cũng quan tâm đến việc giải ngân của các dự án, một số dự án trước đây có tốc độ giải ngân chậm liên quan đến các thủ tục phức tạp, rườm rà, hơn nữa có nhiều dự án Trung Quốc thường đi kèm với các điều khoản như sử dụng lao động phổ thông người Trung Quốc, sử dụng một số loại vật liệu xây dựng do họ đem sang.

Tuy nhiên, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, việc các nhà thầu Trung Quốc có kèm theo một số điều khoản không thuận lợi nhưng Indonesia vẫn chấp nhận với mong muốn cao nhất là nhận được các khoản tiền đầu tư to lớn từ nước này để phát triển cơ sở hạ tầng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục