Khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

06:02' - 20/08/2016
BNEWS Hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra đòi hỏi Nhà nước nỗ lực nhiều hơn trong công cuộc đổi mới thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp là một trong những trọng tâm của Chính phủ. Ảnh: khoinghieptre.vn

Khởi nghiệp đang trở thành câu chuyện thời sự trong phát triển kinh tế đất nước. Các chuyên gia kinh tế, đại diện các bộ, ngành hữu quan, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương đã có những chia sẻ về vấn đề này

* Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Trần Văn Tùng, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ có 2.000 dự án khởi nghiệp, 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ phát triển và 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Trần Văn Tùng. Ảnh: Kinhtedothi.vn

Muốn phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, để kết nối các thương hiệu, nhãn hàng sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Qua đó, tạo điều kiện cho việc bán hàng và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sự.

Công nghệ thông tin và kỹ thuật số sẽ rất hữu ích giúp doanh nhân lập nghiệp. Doanh nghiệp muốn tăng trưởng và phát triển theo hướng bền vững cần bắt đầu khởi nghiệp bằng con đường sáng tạo, đưa kiến thức, các kết quả nghiên cứu và tiếp thu chuyển giao công nghệ vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chú trọng phát động tinh thần

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo kết quả khảo sát của Trường Đại học hàng đầu nước Đức (TUM) và Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK), Việt Nam đứng thứ 7/44 nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới.

Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, tinh thần khởi nghiệp chỉ có thể trở thành động lực và tạo nên làn sóng khởi nghiệp trong một nền kinh tế có sự cạnh tranh cao, vào lúc chúng ta thực sự chuyên nghiệp và có tri thức về kinh tế số. Sự tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam, với tri thức kinh doanh của nền kinh tế số sẽ tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.

Do đó, việc phát động tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam, phát động tinh thần coi trọng doanh nhân, các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh cần phải được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chú trọng. Không ai khác, chính đội ngũ thanh niên, sinh viên với khát vọng trở thành doanh nhân sẽ là động lực đưa đất nước vươn lên.

Đưa Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp

Tiến sĩ Võ Duy Khương, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng cho rằng, để biến Đà Nẵng trở thành một thành phố khởi nghiệp mà mọi doanh nghiệp đều tìm thấy cơ hội, động lực để phát triển, đồng thời cũng là nơi nhiều ý tưởng kinh doanh được ươm tạo, nảy mầm phát triển thành những dự án kinh doanh thành công, khởi sự doanh nghiệp thành đạt… đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền thành phố.

Cùng với đó là việc chú trọng tới công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhất là các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh và kể cả các hộ kinh doanh cá thể… về vấn đề khởi nghiệp, làm giàu, lập thân, lập nghiệp.

Kiến thức, kỹ năng về khởi sự kinh doanh cần phải được phổ cập tới mọi người dân có nhu cầu khởi nghiệp. Công tác đào tạo doanh nhân, phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp cần phải được đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên bậc phổ thông, đại học và cao đẳng để giúp họ có hoài bão, đam mê kinh doanh ngay từ khi trên ghế nhà trường

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương. Ảnh: Lê Phi

Ngoài ra, cần đề cao việc đổi mới sáng tạo từ “phòng thí nghiệm ra thị trường” với những công nghệ đột phá phù hợp với thế mạnh của thành phố như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tạo dựng thị trường thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực.

Cùng với đó là phải đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư tài chính cho các hoạt động khởi nghiệp; xây dựng các chính sách của thành phố để hình thành quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức tài chính, tín dụng để thúc đẩy sự tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp trong tương lai.

Cần tạo điều kiện cho các doanh nhân địa phương tham gia hội nhập ngay từ khi khởi nghiệp, thông qua các giải pháp liên kết với Mạng lưới khởi nghiệp của thành phố và quốc gia, nhằm kết nối để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm ra thị trường…ngay trong cộng đồng khởi nghiệp.  

Triển khai cần thực tế

Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ,  nhận thức về khởi nghiệp thì dễ, nhưng triển khai thực hiện không phải chuyện đơn giản. Không phải mới đây, mà chương trình khởi nghiệp đã được VCCI bắt tay triển khai từ nhiều năm trước gắn với các hoạt động như ươm tạo doanh nghiệp, tổ chức đào tạo tại các địa phương…

Tuy nhiên, phần lớn hoạt động chỉ dừng lại ở các hội nghị, hội thảo, các cuộc thi sáng tạo… mang tính chất bề nổi. Việc ứng dụng các mô hình, sáng kiến thành công vào thực tiễn và để nhân rộng lại là việc khác.  Vì vậy, việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp cần thực tế hơn.

Hoạt động khởi nghiệp cần triển khai một cách thực tế hơn. Ảnh: khoinghieptre.vn

Mỗi năm, có vài trăm nghìn sinh viên ra trường và thất nghiệp. Để đón đầu và hỗ trợ họ có một môi trường thực hành, đưa những kiến thức hàn lâm được học trong trường vào thử nghiệm và trải qua giai đoạn chuyển tiếp để tiến tới bước khởi sự kinh doanh cần giúp họ có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy kinh nghiệm, tiếp cận thị trường, trải nghiệm những vấn đề đời sống của doanh nghiệp…

VCCI Cần Thơ đã có ý tưởng xây dựng Chương trình khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hay còn gọi là “Mekong Startup”. Theo đó, gồm các hoạt động như hỗ trợ, ươm tạo, đào tạo và hiện thực hóa các sản phẩm, dịch vụ ươm tạo để ứng dụng vào thực tiễn xã hội cho toàn vùng.

Sẽ có các hội thảo về khởi nghiệp và các cuộc thi khởi nghiệp; sẽ lập quỹ tín thác hỗ trợ ý tưởng sáng tạo; tuyển chọn đưa vào ươm tạo và hỗ trợ ý tưởng cho các doanh nhân khởi nghiệp và xây dựng Trung tâm ươm tạo VCCI nhằm khai thác phát triển các dự án từ ươm tạo….

Lúc này, cần nhất là làm sao quy tụ được các chuyên gia giỏi về tư vấn, về quản trị để hỗ trợ cho các học sinh, sinh viên; giúp họ hun đúc khát khao khởi nghiệp; giúp các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo luôn có sức nóng… Còn việc kêu gọi tài trợ thực sự không khó khăn, nếu chứng minh được bằng hiệu quả và thực tiễn thành công của các ý tưởng sáng tạo.

Cần những việc làm thiết thực hơn

Ông Nguyễn Diễn, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, trước đây, việc tổ chức các lớp, các khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh chưa có cơ chế hỗ trợ thuận lợi; thủ tục thanh quyết toán với phía Bộ Tài Chính gặp rất nhiều khó khăn, nhiêu khê nên nhiều chương trình, hoạt động về khởi nghiệp khó thành công.

Vai trò của chính quyền địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp chưa nhiều, chưa tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích người dân quan tâm tới khởi sự kinh doanh và phát triển thành các phong trào khởi nghiệp.

Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã khởi nghiệp thành công. Ảnh: news.zing.vn

Để khởi nghiệp thành công trong thực tiễn, trước nhất cần sự thay đổi nhận thức và chuyển biến thành những việc làm thiết thực hơn so với chỉ hô hào khẩu hiệu.

Phải có nhiều cuộc nói chuyện chuyên sâu và quy mô lớn, làm sao để người dân, các tầng lớp thanh niên hiểu rằng ngoài con đường đi làm thuê, còn có con đường tự làm việc cho mình và tạo việc làm cho người khác; phải làm cho họ tự tin; phải chỉ cho họ cách thức để đăng ký một doanh nghiệp như thế nào, vốn tìm ở đâu ra, quản lý một doanh nghiệp bằng cách nào, có khó lắm không…. Bước đầu, đơn giản là  phải làm cho họ rõ, họ hiểu!

Sau đó, cần kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp trẻ có năng lực, trình độ và tâm huyết gây dựng đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp. Không chỉ bằng đóng góp tài chính, việc truyền thụ các kiến thức kinh doanh, các bài học kinh nghiệm thực tiễn mà họ đã trải qua sẽ giúp các học viên và khơi gợi ở họ tinh thần khởi nghiệp; từ đó sẽ kích thích thành các phong trào khởi nghiệp.

“Một hành động hơn ngàn lời nói”

Từng nắm giữ vị trí quản lý cấp cao tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Bến Thành, song lại bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh với việc hình thành Công ty TNHH MTV HiServices, chuyên cung cấp các mô hình đào tạo, huấn luyện doanh nghiệp theo phương pháp ActionCoach – cầm tay chỉ việc, ông Đỗ Việt Phương, Chủ tịch HĐTV, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại – Dịch vụ Sông Thao cho rằng: "một hành động hơn ngàn lời nói".

Đây cũng chính là phương châm đào tạo dành cho các học viên của mình. Chỉ có cách huấn luyện thực tiễn, các sinh viên, học sinh mới có cơ hội bước ra thực tế để triển khai nhanh, áp dụng ngay và loại bỏ các động tác thừa.

Từ ý tưởng sáng tạo và HiServices được thành hình. Đó có thể là mô hình để các học viên tham khảo và học tập. Vấn đề là cần sự bền bỉ. Tránh xu hướng, chỉ hào hứng giai đoạn đầu, rồi tới khi gặp thất bại lại hạ tiêu chuẩn hoặc chuyển mục tiêu.

Khởi nghiệp là cả một quá trình học hỏi, không chỉ học từ thành công mà còn học từ thất bại của những người đi trước và của chính bản thân mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục