Moody’s: Dòng tiền của Trung Quốc đổ vào Mỹ Latinh ngày càng tăng

11:23' - 26/06/2018
BNEWS Hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latinh đã tăng tới 110 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2016 và sẽ tiếp tục tăng vào những năm tới.

Báo cáo của Moody’s Investor Service đánh giá mặc dù sự gia tăng trên mang lại cơ hội tăng trưởng cho Mỹ Latinh, đặc biệt tại các quốc gia nhỏ, song cũng tạo thêm nhiều rủi ro. Nguồn vốn của Bắc Kinh vào khu vực này chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và ngày càng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất nguyên liệu thô, dịch vụ cho đến tài chính.

Moody’s cho biết dòng tiền của quốc gia đông dân nhất thế giới đổ vào Mỹ Latinh ngày càng tăng dưới nhiều hình thức, gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, các khoản vay, và tác động đến toàn bộ khu vực.

Theo Giám đốc điều hành của Moody’s phụ trách các tập đoàn phi tài chính tại Mỹ Latinh, Marianna Waltz, khoản vay của Trung Quốc cho chính phủ các nước Mỹ Latinh tạo điều kiện đặc biệt cho những quốc gia có ít khả năng tiếp cận được nguồn vốn.

Trong giai đoạn 2015-2016, Trung Quốc đã cấp tín dụng với tổng trị giá 222 tỷ USD cho chính phủ các nước Mỹ Latinh, trong đó một nửa nguồn vốn được đầu tư vào những dự án hạ tầng và 1/3 khoản tiền dành cho lĩnh vực năng lượng.

Từ năm 2015, tận dụng những khó khăn về tài chính của nhiều tập đoàn địa phương và việc kiểm soát chi tiêu công của chính phủ các nước Mỹ Latinh, doanh nghiệp quốc gia châu Á này đã đầu tư hơn 20 tỷ USD vào ngành điện lực, y tế, giao thông vận tải trên toàn khu vực.

Phần lớn dòng tiền đó đổ vào Brazil , đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng và khai thác mỏ thông qua những vụ sáp nhập doanh nghiệp, mua cổ phần hay đầu tư vào dự án mới. Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng cung cấp nhiều nguồn tín dụng cho Brasilia.

Tuy nhiên, bà Waltz cảnh báo việc phụ thuộc vào những khoản vay một cách tùy tiện của các nước Mỹ Latinh dẫn đến khả năng gây ra nguy cơ bất lợi như gánh nợ lớn, cán cân thương mại yếu đi và làm tăng nguy cơ cơ cấu lại nợ.

Bên cạnh đó, nguồn vốn của Trung Quốc đổ vào khu vực sẽ tạo ra rủi ro tín dụng cùng lúc và làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai khi những dự án có vay vốn không tạo đủ doanh thu để trả nợ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục