Mục tiêu giảm lãi suất cho vay khó khả thi

07:30' - 04/11/2015
BNEWS Còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2015, nhưng giới chuyên gia cũng như các nhà quản lý đều cho rằng mục tiêu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là khó thành hiện thực.
Mục tiêu giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là khó thực hiện.

Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Ngay từ đầu năm 2015, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2015, nhưng giới chuyên gia cũng như các nhà quản lý đều cho rằng mục tiêu này khó thành hiện thực.

Từ cuối tháng 10, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Điều này được coi là hiệu ứng tích cực duy trì mức độ hấp dẫn đối với người gửi tiền trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu khởi sắc. Nhưng đó lại là dấu hiệu cho thấy lãi suất cho vay khó giảm thêm.

Cụ thể, từ ngày 19/10, Techcombank đã điều chỉnh tăng 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 9 tháng và các kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng. Trong khi đó, các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng, 11 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh tăng thêm 0,3%.

Cũng từ ngày 21/10, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng với mức tăng 0,2%/năm ở mỗi kỳ hạn.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) cũng đã điều chỉnh tăng khá mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn trên 3 tháng với mức tăng cao nhất lên tới 0,5%.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng được điều chỉnh tăng 0,2% lên 5,20%/năm; kỳ hạn 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng cũng tăng thêm 0,2% lên 6,20%/năm. Mức tăng 0,5% thuộc về các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng lên 6,0%/năm.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cho biết, việc lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại gần đây được điều chỉnh tăng là hiệu ứng tích cực từ tín hiệu tăng trưởng tín dụng khả quan.

Vị này dẫn chứng, tính đến ngày 26/10/2015, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,51% so với đầu năm, với diễn biến cải thiện của tổng cầu nền kinh tế, dự kiến đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt khoảng 17%. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang được lưu thông mạnh trong nền kinh tế.

Do đó, việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động nhằm hút thêm vốn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ khó điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi.

Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tiến sỹ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh trong một tham luận gần đây đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét giảm thêm 2% lãi suất kể từ năm tới. Ông Lịch nêu vấn đề, hiện nay mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất là vấn đề lãi suất.

"Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài dạn 9 - 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2%, xuống 7% được không? Lãi suất này tùy thuộc tình hình thực tế, vào sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường.

Năm 2016 sẽ phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu còn lại trong gói 170.000 tỷ đồng thì liệu có thể giảm lượng phát hành để giảm nợ công?”, Tiến sỹ Trần Du Lịch đặt câu hỏi.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính, câu chuyện hạ lãi suất cho vay liên quan đến lãi suất huy động, bởi ngân hàng có thể cho vay rẻ khi huy động được vốn rẻ.

“Nếu hạ lãi suất huy động trong thời điểm này sẽ kéo theo giảm độ hấp dẫn của tiền đồng, liệu người dân có muốn gửi tiền vào ngân hàng không hay là rút tiền đi mua USD?”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ nêu vấn đề.

Chính vì vậy, ông Độ cho rằng: "Muốn người dân vẫn giữ tiền Việt khi hạ lãi suất thì có nghĩa lợi ích của việc cầm USD phải giảm. Và muốn làm được điều này thì lãi suất tiền gửi bằng USD phải hạ và điều này Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện.

Cùng với đó cần phải hạn chế được kỳ vọng phá giá tiền đồng. Do vậy, dù áp lực giảm lãi suất hiện nay là có nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải thận trọng và cân nhắc".

Trong khi đó, báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán, triển vọng quý IV/2015 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển nêu rõ, mục tiêu giảm lãi suất trung, dài hạn thêm 1-1,5%/năm trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước trở nên khó khả thi trước áp lực trên thị trường ngoại hối và sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác.

Báo cáo chỉ ra rằng, tín dụng năm nay có nhiều chuyển biến so với các năm trước, hiện tăng trưởng ở mức rất tích cực. Các yếu tố cơ bản để lãi suất được kỳ vọng duy trì mặt bằng thấp hiện tại là tăng trưởng kinh tế hứa hẹn giữ tốc độ lạc quan, khả năng về sự chuyển biến giá cả hàng hóa vào quý tới, điển hình là khả năng hồi phục giá dầu, sẽ đẩy lạm phát hồi phục.

Cùng với đó là tác động từ việc bình thường hóa chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed (kỳ vọng vào cuối 2015, đầu năm 2016). Ba yếu tố này là những yếu tố cơ bản để Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định lãi suất trong quý tới.

Trong bản báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Ngân hàng HSBC cũng nhận định, nhu cầu trong nước được hỗ trợ bởi lạm phát thấp, tín dụng tăng trưởng tốt, do đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cơ sở để giữ nguyên lãi suất đến nửa đầu năm 2016. Nhưng sức ép lạm phát cơ bản gia tăng có thể đưa đến việc nâng lãi suất vào quý III/2016.

Theo dữ liệu mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước công bố, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.

suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn./.

Đỗ Huyền/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục