Mỹ giảm mạnh viện trợ đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribe

06:30' - 05/06/2017
BNEWS Mỹ dự định cắt giảm mạnh viện trợ cho Mỹ Latinh và Caribe, đồng thời giảm ngân sách đối với tất cả các nước trong khu vực đang nhận viện trợ của Mỹ.
Mỹ giảm mạnh viện trợ đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo hãng tin AP, trong dự luật ngân sách thường niên đầu tiên được công bố ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cắt giảm mạnh viện trợ cho Mỹ Latinh và Caribe, với mức giảm ngân sách đối với tất cả các nước trong khu vực đang nhận viện trợ của Mỹ.

Dự thảo ngân sách cho tài khóa 2018 (từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018) thậm chí còn xóa bỏ các khoản viện trợ dành riêng cho các lực lượng đối lập tại Cuba và Venezuela, mà trong tài khóa 2017 đã được chu cấp lần lượt 20 triệu USD và 6,5 triệu USD.

Tuy nhiên, đây chỉ là các khoản viện trợ trực tiếp, trong khi tổng số viện trợ mà mỗi quốc gia nhận được, mà trong trường hợp của Cuba và Venezuela là các lực lượng đối lập, còn bao gồm cả các khoản dành cho các chương trình an ninh, dân chủ, đấu tranh chống ma túy và di cư, được xếp chung cho cả khu vực khi lập ngân sách và được phân bổ cho từng quốc gia trong quá trình giải ngân tùy theo nhu cầu thực tế.

Trong một cuộc họp báo từ xa, Giám đốc Văn phòng Viện trợ nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ Hari Sastry nhận định: “Có sự sụt giảm, nhưng ngay cả như vậy thì chúng tôi vẫn ưu tiên những chương trình tập trung vào việc đấu tranh chống hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, củng cố an ninh biên giới và chống tham nhũng”.

Gói ngân sách dành cho bộ ngoại giao còn bao gồm 587 triệu USD cho nhiệm vụ đấu tranh chống các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia cấp toàn cầu, ít hơn 189 triệu USD tài khóa 2017.

Ông Sastry cũng hứa hẹn rằng cho dù có cắt giảm nhưng Washington sẽ tiếp tục “đối phó với các nguyên nhân gốc rễ” của hiện tượng di cư tại vùng tam giác phía Bắc của Trung Mỹ (Guatemala, Honduras và El Salvador) như nạn nghèo đói và tham nhũng.

Dự thảo ngân sách, sẽ còn phải được Quốc hội Mỹ thông qua và có thể có một số thay đổi, dành 37,6 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có 1.093 tỷ USD cho các hoạt động tại châu Mỹ, giảm tới 614 triệu USD so với năm 2017.

Nếu ngân sách này được thông qua và phê chuẩn, Mexico sẽ chỉ nhận được 87,7 triệu USD, đồng nghĩa với mức cắt giảm 45,3% so với ngân sách 160,1 triệu USD của năm tài khóa 2017.

Quang cảnh bên ngoài Sở giao dịch hối đoái Sao Paulo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Viện trợ dành cho khu vực Trung Mỹ cũng chịu mức cắt giảm mạnh, khi ngân sách các hạng mục dành cho phát triển và củng cố thể chế mà cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy đều sụt giảm.

Guatemala dự kiến nhận được 80,7 triệu USD, so với 131,2 triệu USD của năm tài khóa hiện tại, trong khi Honduras được hưởng 67,8 triệu USD so với mức 98,2 triệu USD của năm tài khóa hiện tại, còn El Salvador sẽ được cấp 46,3 triệu USD so với mức 67,9 triệu USD hiện tại.

Nicaragua thậm chí sẽ chỉ có mức viện trợ tượng trưng là 200.000 USD (so với 10 triệu USD của năm tài khóa hiện hành), còn các khoản tương ứng cho Costa Rica và Panama cũng chỉ lần lượt là 400.000 và 1,2 triệu USD, so với mức 1,8 triệu và 3,3 triệu USD hiện tại.

Đối với khu vực Caribe, hai quốc gia đáng chú ý nhất ngoài Cuba là Cộng hòa Dominicana và Haiti sẽ được trợ giúp với ngân sách lần lượt là 10,5 triệu và 157,4 triệu USD trong năm tài khóa tới, cũng thấp hơn khá nhiều so với các khoản viện trợ hiện tại là 21,6 và 190,7 triệu USD.

Tại Nam Mỹ, một đồng minh chiến lược của Mỹ là Peru sẽ nhận được 49,6 triệu USD - so với 74,9 triệu USD hiện tại; Washington dự định xóa khoản viện trợ cho Ecuador, hiện ở mức 2 triệu USD.

Trong khi những quốc gia tại vùng “chóp nón Nam Mỹ” như Chile, Argentina, Uruguay và Paraguay đều sẽ chỉ nhận những khoản không đáng kể từ 400.000-500.000 USD. Còn Brazil - quốc gia rộng lớn, đông dân và có nền kinh tế quy mô nhất khu vực - dự kiến sẽ nhận 815.000 USD so với mức 12,8 triệu USD hiện tại. 

Đáng chú ý là Colombia, đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Nam Mỹ, cũng không phải là ngoại lệ trong đà cắt giảm này, khi chỉ được dự trù khoản viện trợ 251,4 triệu USD.

Con số này tuy không quá thấp so với con số 299,4 triệu USD của tài khóa 2017, nhưng lại thấp hơn khá nhiều so với con số 391 triệu USD đã được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm 2017 (lịch thông thường) nhằm hỗ trợ quá trình tái thiết hậu xung đột tại quốc gia Nam Mỹ này và “thổi bay” lời hứa hỗ trợ 450 triệu USD cho Bogota cũng trong năm nay cho mục tiêu trên của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, rất có thể Colombia sẽ được nhận thêm ngân sách từ những quỹ dành cho các chiến dịch mang tính khu vực hay toàn châu lục (khoảng 300 triệu USD), cho các vấn đề liên quan tới ma túy và an ninh toàn cầu (167 triệu USD) hay hỗ trợ nhân đạo và thúc đẩy dân chủ ở cấp độ toàn cầu (2,678 tỷ USD).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục