Mỹ: Những tác động khi cố vấn kinh tế hàng đầu từ chức

05:30' - 15/03/2018
BNEWS Việc Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, từ chức có tác động mạnh tới không chỉ lĩnh vực thương mại mà còn một số lĩnh vực quan trọng khác như hạ tầng và nhập cư của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa phá bỏ Hiệp định NAFTA. Ảnh: EPA/TTXVN

Tờ Washington Post mới đây đã đăng bài phân tích về vai trò của Cohn trong một số chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.

Thông báo của Nhà Trắng hôm 6/3 về kế hoạch từ chức của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Gary Cohn khiến nhiều người dự đoán thị trường chứng khoán Phố Wall sẽ "lao dốc" với việc bán tháo các cổ phiếu do lo ngại về một cuộc chiến thương mại leo thang. 

Các chuyên gia kinh tế dự đoán thị trường chứng khoán Phố Wall sẽ trở nên ảm đạm do bị tác động bởi việc Cohn từ chức. Đó là bởi cố vấn Cohn có tiếng nói quan trọng cuối cùng tại Nhà Trắng phản đối mức thuế quan mới đối với thép và nhôm nhập khẩu, và quan trọng hơn là phản đối việc Tổng thống Trump đe dọa phá bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

 Việc ông Cohn từ chức có thể đồng nghĩa với 3 điều sau: Thứ nhất, đây là dấu hiệu cho thấy sự thất bại của nhóm ủng hộ thương mại tự do, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế lớn, nông dân và những người ủng hộ thương mại đa phương và một thế giới kết nối chặt chẽ. 

Vincent Reinhart, chuyên gia kinh tế tại Standish Mellon Asset Management, nhận định: "Các nhà đầu tư biết rằng Cohn là một trong số ít các cố vấn kinh tế có ý kiến trái chiều với chính sách áp thuế của Tổng thống Trump vì ông cho rằng hậu quả của việc áp thuế này không chỉ là những tác động trực tiếp đến thương mại của Mỹ mà còn khiến thương mại toàn cầu suy giảm do sự trả đũa theo kiểu 'ăn miếng trả miếng' của các nước đối tác của Mỹ. 

Tuy nhiên, quyết định này của Tổng thống Trump và sự ra đi của cố vấn Cohn lại làm hài lòng một số nhà sản xuất và công nhân trong lĩnh vực sản xuất thép, nhôm và một số ngành khác ở Mỹ. Họ cho rằng quan điểm của ông Cohn không đúng với các chính sách của ông Trump về thương mại và nhập cư.

 Khi mức thuế quan mới được áp dụng đối với thép và nhôm, thì cũng có nghĩa Trung Quốc sẽ có những hành động trả đũa mạnh mẽ. Hơn thế nữa, hầu hết các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp đều cho rằng ý tưởng áp mức thuế quan mới, 25% cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu thép và 10% đối với tất cả các mặt hàng nhôm nhập khẩu của ông Trump là điên rồ, khiến các đồng minh của Mỹ là Canada và Liên minh châu Âu (EU) tức giận và sẽ có hành động trả đũa. 

Tuy nhiên, ông Trump vẫn bảo vệ quan điểm của mình và không chịu thừa nhận sai lầm. Paul Mortimer-Lee, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách lĩnh vực ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của BNP Paribas, khẳng định: "Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, trong đó có cả các doanh nghiệp sử dụng thép và nhôm, mà còn làm tăng khả năng trả đũa và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại”.

 Hy vọng khả quan nhất đối với các nhà đầu tư và các lãnh đạo doanh nghiệp chống lại mức thuế quan mới là các đảng viên Cộng hòa tại Quốc hội sẽ gây sức ép mạnh hơn nữa để ông Trump miễn trừ Canada và một số nước đối tác quan trọng của Mỹ khỏi việc bị áp mức thuế quan mới này. Nếu không, EU và nhiều đối tác thương mại khác có thể sẽ nhanh chóng đáp trả Mỹ bằng việc áp thuế cao đối với ngành công nghiệp của Mỹ.

 Thứ hai, ông Cohn được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt trong Nhà Trắng liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Ông là người thúc đẩy việc sử dụng quan hệ đối tác công-tư để tài trợ phần lớn kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, giữa cố vấn Cohn và Tổng thống Trump có những bất đồng trong vấn đề này. 

Chỉ vài giờ sau khi các nhà lập pháp Cộng hòa - mà đại diện là Cohn - đưa ra một kế hoạch chi tiết về việc hình thành mối quan hệ đối tác công-tư, Tổng thống Trump công khai tuyên bố ông không nghĩ rằng mối quan hệ đối tác công-tư có thể sẽ có tác dụng. 

“Cohn là nhân vật chủ chốt trong việc tập hợp các lực lượng thực hiện nhiệm vụ của chính phủ, xây dựng kế hoạch về cơ sở hạ tầng. Sự ra đi của Cohn có thể được coi là sự thất bại của kế hoạch hạ tầng”, Martin Klepper, cựu Giám đốc điều hành của Cục Xây Dựng của Bộ Giao thông vận tải, nhận định. 

Mặc dù người dân ở Washington và các bang khác đều đồng ý rằng Mỹ cần nâng cấp mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, song việc làm thế nào để có tiền thực hiện kế hoạch này vẫn còn là câu hỏi hóc búa. 

Cố vấn Cohn đã cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp rằng chỉ cần 200 tỷ USD tài trợ liên bang có thể biến thành hơn 1.000 tỷ USD cho chi phí cơ sở hạ tầng mới nhờ quan hệ đối tác liên bang với các công ty tư nhân và với chính quyền bang cũng như địa phương. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn hoài nghi.

 Thứ ba, khi ông Cohn từ chức, các giải pháp "trung lập" về nhập cư có thể gặp nguy hiểm bởi ông có tiếng nói trọng lượng hàng đầu đối với Tổng thống Trump trong một loạt vấn đề, bao gồm cả vấn đề nhập cư. 

Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp không muốn hạn chế nhập cư hợp pháp và không ủng hộ việc trục xuất một cách ồ ạt người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ. Cố vấn Cohn chính là người có khả năng truyền tải được những thông điệp trên tới Tổng thống Trump. 

Sự ra đi của ông mở sẽ mở rộng cánh cửa cho trợ lý Stephen Miller của Tổng thống Trump, người ủng hộ việc hạn chế nhập cư hợp pháp, có những tác động đối với Tổng thống Trump giống như những gì mà cố vấn Peter Navarro đã làm trong thương mại.

 Theo Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của Moody's Analytics, cố vấn Cohn là chìa khoá giúp ngăn chặn xu hướng chống toàn cầu hóa trong chính quyền hiện nay và nếu không có Cohn, nguy cơ chính quyền Trump áp dụng chính sách chống người nhập cư sẽ tăng lên gấp đôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục