Nhật Bản cân nhắc siết chặt quy định miễn thuế cho bưu kiện nhỏ từ Shein, Temu

14:03' - 21/05/2025
BNEWS Nhật Bản đang cân nhắc xem xét lại các quy định miễn thuế đối với những kiện hàng nhỏ, bao gồm cả những kiện hàng vận chuyển từ Trung Quốc.
Động thái này đưa Nhật Bản vào danh sách các quốc gia đang tăng cường giám sát kênh miễn thuế, vốn được các nền tảng thương mại điện tử giá rẻ như Shein và Temu (thuộc PDD Holdings) sử dụng.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, một nhóm chuyên gia thuế của chính phủ tuần trước đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc miễn thuế hiện hành cho các bưu kiện nhỏ được vận chuyển đến nước này. Các chuyên gia đã xem xét những lo ngại về cạnh tranh công bằng và nguy cơ kênh này trở thành con đường cho ma túy bất hợp pháp và hàng giả xâm nhập vào Nhật Bản.

Nếu các quy định miễn thuế được sửa đổi, các bưu kiện nhỏ chứa sản phẩm mua từ Shein và Temu vận chuyển vào Nhật Bản có thể phải chịu thuế tiêu thụ của nước này, hiện chủ yếu ở mức 10%. Hiện tại, các bưu kiện có giá trị dưới 10.000 yen (khoảng 69 USD) phần lớn đang được miễn thuế. Một hội đồng riêng do Bộ Tài chính thành lập cũng đang xem xét các vấn đề tương tự.

 
Phát biểu trước báo giới ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết hiện chưa có quyết định nào về việc xem xét lại quy định miễn thuế. Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục cân nhắc vấn đề này, đồng thời tham khảo các trường hợp ở nước ngoài và những tác động được ghi nhận.

Việc Nhật Bản cân nhắc vấn đề bưu kiện nhỏ là diễn biến mới nhất trong làn sóng giám sát toàn cầu đối với "lỗ hổng" thuế quan mà Shein và Temu đã dựa vào trong nhiều năm để bán hàng hóa giá rẻ cho người tiêu dùng trên khắp thế giới. Động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này về việc chấm dứt chính sách "de minimis" (ngưỡng giá trị tối thiểu được miễn thuế) đối với các bưu kiện nhỏ từ Trung Quốc đã thúc đẩy các chính phủ khác xem xét các quy định miễn thuế tương tự.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế cho các bưu kiện dưới 150 euro vào khoảng năm 2027-2028. Tiếp theo là thông báo xem xét lại các quy định "de minimis" của Anh từ Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves. Pháp cũng đã đề xuất áp phí đối với các gói hàng nhỏ từ các nhà bán lẻ giảm giá như một biện pháp tạm thời trước khi kế hoạch cải tổ rộng hơn của châu Âu có hiệu lực.

Việc Mỹ loại bỏ quy định "de minimis" đã buộc Shein và Temu phải tăng giá một số sản phẩm, hoặc yêu cầu người tiêu dùng Mỹ trả phí nhập khẩu có thể cao hơn cả giá trị hàng hóa họ mua. Doanh số của cả Shein và Temu tại Mỹ đã bị ảnh hưởng sau các điều chỉnh giá của các nền tảng thương mại điện tử này. Các biện pháp của Mỹ cũng làm dấy lên lo ngại rằng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn sang các thị trường khác.

Việc loại bỏ miễn thuế cũng có thể mang lại lợi ích cho ngân sách công của Nhật Bản. Theo Bộ Tài chính, số lượng bưu kiện nhỏ được vận chuyển vào nước này đã tăng khoảng năm lần trong 5 năm qua, một phần được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới trong thời kỳ đại dịch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục