Mỹ-Trung trước nguy cơ "chiến tranh thuế"

06:30' - 08/05/2017
BNEWS Kế hoạch cắt giảm thuế kinh doanh của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây tác động domino lên đối thủ kinh tế số một của Mỹ là Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết đăng trên tờ The Wall Street Journal (Mỹ), giống như ông Trump, nhiều giám đốc điều hành của Trung Quốc đang phàn nàn rằng thuế đánh lên công ty của nước này quá cao, thậm chí một số người còn gọi là "thuế tử thần".

Trong những năm qua, Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt chi phí kinh doanh. Hiện tại, các quan chức và các nhà điều hành của Trung Quốc lo ngại rằng đề xuất giảm thuế doanh nghiệp mà ông Trump vừa công bố sẽ gây phương hại tới sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thế giới, đồng thời khuyến khích các công ty đầu tư vào Mỹ thay vì đầu tư vào Trung Quốc.

Dự đoán trước động thái mới của Mỹ trong lĩnh vực thuế, Quốc vụ viện Trung Quốc vừa thông báo rằng chính phủ sẽ giảm 55 tỷ USD thuế công ty "để cải thiện các điều kiện kinh doanh".

Ngày 28/4, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - cảnh báo rằng kế hoạch mới của Mỹ có thể gây ra một "cuộc chiến tranh thuế" nếu như hai nước bắt đầu đua nhau giảm thuế.

Mặc dù Trung Quốc vẫn giữ được danh tiếng là trung tâm xuất khẩu và chế tạo, song chi phí lao động và thuê đất ngày càng cao, cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đang làm xói mòn lợi thế đó.

Các quan chức và giới kinh doanh đang tìm cách giảm thuế để đối phó với xu hướng đáng ngại này. Ông Liu Huan - Giáo sư trường Đại học Kinh tế và Tài chính, đồng thời là một cố vấn của Quốc vụ viện - nói: "Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh. Rõ ràng, gánh nặng thuế ở Trung Quốc hiện nay tương đối lớn".

Mặc dù tỷ lệ thuế công ty trên thu nhập của quốc gia ở Mỹ hiện nay là 35% so với mức 25% ở Trung Quốc, song các công ty Trung Quốc còn phải đương đầu với rất nhiều loại thuế và phí khác mà các công ty Mỹ không phải chịu, trong đó có khoản thuế giá trị gia tăng 17%.

Mặc dù các công ty Trung Quốc không phải đóng thuế nhà nước như các công ty Mỹ, song chủ lao động Trung Quốc lại phải trả thuế lương cao hơn rất nhiều. Thuế phúc lợi và bảo hiểm xã hội chiếm từ 40%-100% một bảng lương ở Trung Quốc.

Theo số liệu năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), gánh nặng thuế đối với các công ty Trung Quốc đứng vào hàng cao nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt: chiếm 68% lợi nhuận, so với mức 44% ở Mỹ và mức trung bình 40,6% trên toàn thế giới.

Mỹ-Trung trước nguy cơ "chiến tranh thuế. Ảnh: Reuters

Các số liệu này bao gồm cả thuế thu nhập địa phương và toàn quốc, thuế giá trị gia tăng, thuế bán hàng và nhiều khoản tiền mà chủ lao động bắt buộc phải đóng góp cho phúc lợi và an sinh xã hội. Các chuyên gia về thuế cho biết trên thực tế, các công ty Trung Quốc thường phải nộp thuế tương đương 40-50% lợi nhuận sau khi đã trừ đi nhiều khoản khác nhau.

Trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ thấp hơn, mặc dù không thể đưa ra con số ước tính chính xác, và sẽ còn giảm nữa nếu như ông Trump thực hiện được mục tiêu cắt giảm một nửa mức thuế thu nhập xuống chỉ còn 15%.

Các chuyên gia về thuế cho biết nhiều công ty Trung Quốc cũng tận dụng các biện pháp khuyến khích của chính phủ để hạn chế kinh phí.

Một số, đặc biệt là doanh nghiệp quốc doanh, được lợi nhờ được quyền vay vốn với lãi suất thấp, một kiểu trợ cấp để bù lại cho những yêu cầu về thuế. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang siết chặt việc cấp vốn cho các công ty quốc doanh do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, kéo theo thu nhập từ thuế giảm.

Trong mấy tháng gần đây, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn, cản trở các công ty Trung Quốc đầu tư ra bên ngoài nếu họ cho rằng khoản đầu tư đó là không có chiến lược. Bắc Kinh cũng gây khó khăn cho những công ty Trung Quốc muốn khai thác chính sách thuế thấp hơn ở nước ngoài.

Trong bối cảnh chi phí gia tăng và lợi nhuận giảm, các công ty phàn nàn rằng gánh nặng thuế đã cao tới mức họ không thể gánh được.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ China Business News hồi cuối năm ngoái, ông Cho Tak Wong - Chủ tịch tập đoàn Kính Fuyao - đã viện dẫn mức thuế quá cao là lý do khiến ông quyết định đầu tư 1 tỷ USD để "hồi sinh" một nhà máy cũ của General Motors ở Moraine, bang Ohio (Mỹ), thay vì khởi công một nhà máy mới ở Trung Quốc.

Giới chức ở Bắc Kinh cho rằng sau "canh bạc" của Fuyao ở nước Mỹ sẽ còn nhiều "canh bạc" tương tự nếu như các khoản thuế ở Mỹ giảm đáng kể. Ông Liu, chuyên gia về chính sách thuế kể trên, cho hay Bắc Kinh đang nghiêm túc xem xét việc giảm thuế, song không thể hành động quá nhanh vì những thay đổi cần phải có thời gian, và vì chính phủ cũng cần phải có thu nhập.

Theo một cuộc khảo sát do Viện Kinh tế Unirule có trụ sở ở Bắc Kinh tiến hành hồi tháng 11/2016, 87% trong số 13 công ty tư nhân được khảo sát nói rằng gánh nặng thuế của họ là cao hoặc tương đối cao.

Các khoản giảm thuế mới được Trung Quốc công bố là nhằm mục đích xoa dịu những lời phàn nàn này bằng cách tăng ngưỡng thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ và giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng nhất định, chẳng hạn như nông sản.

Tuy nhiên, với những công ty nhỏ hơn, các chuyên gia về thuế và các quan chức cho rằng cần phải có nhiều thay đổi hơn nữa.

>>> Vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tăng gấp ba trong năm 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục