Nga tiếp tục hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu

13:24' - 11/03/2018
BNEWS Ngày 10/3, Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), cho biết Nga đã rút đơn xin gia nhập CERN, song hợp tác giữa Moskva với tổ chức này vẫn sẽ tiếp tục.
Nga tiếp tục hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu. Ảnh: reuters

Theo thông báo của CERN, tổ chức này có lịch sử hợp tác lâu dài với Nga và quan hệ tốt ở mọi cấp độ, bởi vậy việc Nga quyết định không là thành viên liên kết sẽ không thay đổi sự hợp tác sâu rộng đã được tăng cường giữa hai bên.

Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom cũng tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp thiết bị cho CERN nếu được yêu cầu.

Trong khi đó, người phát ngôn của CERN Arnaud Marsollier đánh giá sự hợp tác giữa Nga và tổ chức này đang mạnh hơn bao giờ hết.

Việc Moskva thay đổi quyết định không ảnh hưởng đến việc tham gia vào các dự án chung của tổ chức này dưới bất kỳ hình thức nào, và vấn đề thành viên liên kết của Nga vẫn được để ngỏ. Ông nhấn mạnh các cuộc thảo luận tại nhiều cấp vẫn đang diễn ra.

Cùng ngày, Bộ Giáo dục và Khoa học Nga cho biết thỏa thuận hợp tác mới giữa Nga và CERN sẽ được ký kết trong năm 2018, trong đó có việc Nga tham gia giai đoạn 2 của dự án Máy gia tốc hạt lớn (LHC), một dự án tham vọng của CERN được khởi động lần đầu vào ngày 10/9/2008.

LHC là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được xây dựng ngầm cách mặt đất khoảng 100 mét ở khu vực biên giới Thụy Sĩ - Pháp.

Thông qua hàng loạt thử nghiệm cho hai chùm hạt proton chuyển động ngược chiều nhau trong máy gia tốc va chạm ở tốc độ gần với tốc độ ánh sáng, các nhà khoa học có thể tái tạo ở quy mô nhỏ ''Vụ nổ lớn'' (Big Bang) đã tạo nên vũ trụ cách đây 13,7 tỷ năm và từ đó vén bức màn bí mật về nguồn gốc của vũ trụ.

CERN được thành lập năm 1953 và có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.

Đây là phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới về vật lý năng lượng cao.

Tổ chức này gồm 22 quốc gia thành viên với hai nước gia nhập mới nhất là Israel và Romania. Quy chế thành viên đòi hỏi một quốc gia phải nộp phí định kỳ.

Quốc gia thành viên sẽ có quyền bỏ phiếu tại CERN và công dân nước này có thể gia nhập đội ngũ nhân viên của CERN.

Nga nộp đơn xin làm thành viên liên kết của CERN vào năm 2012. Hội đồng của CERN đã chấp thuận tư cách ứng cử của Liên bang Nga, nhưng sau đó Moskva đã rút đơn.

CERN hiện đang hợp tác với 937 nhà khoa học Nga và 13.000 chuyên gia trong nhiều dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục