Ngành chăn nuôi cần thay đổi để tăng khả năng cạnh tranh

18:03' - 11/03/2017
BNEWS Sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất thịt đang ở mức khá thấp
 Diễn đàn "Tái cơ cấu chăn nuôi trong thời hội nhập và biến đổi khí hậu" tại hội nghị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ngày 11/3, tại TP. Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học chăn nuôi – thú y toàn quốc lần thứ nhất 2017.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, hội nghị lần này nhằm đánh giá toàn diện hệ thống sản xuất chăn nuôi trong thời hội nhập và biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn; đồng thời đề ra giải pháp phát triển chăn nuôi thú y trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng đúc kết những công trình khoa học mới phục vụ nghiên cứu và sản xuất phù hợp với từng khu vực; thảo luận những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cũng như cung cấp được những sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Ông Hà Thanh Toàn cũng cho biết, Đại học Cần Thơ sẵn sàng làm đầu mối liên kết với các viện, trường trong cả nước để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực chăn nuôi – thú y của khu vực và cả nước.

Theo Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc, Hội Chăn nuôi Việt Nam, mặc dù thường xuyên gặp khó khăn nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng cao trong 15 năm qua. Sản lượng các loại thịt đã tăng 3 lần (từ 1,8 triệu tấn lên 4,6 triệu tấn), trứng tăng 3 lần (từ 3 tỷ quả lên 8,9 tỷ quả), các sản phẩm sữa tươi tăng 14 lần, thức ăn công nghiệp tăng gần 4 lần…

Tuy nhiên, sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất thịt đang ở mức khá thấp, không chỉ so với các nước có nền chăn nuôi phát triển ở châu Âu mà ngay cả ở châu Á và khu vực ASEAN. Theo ông Đoàn Xuân Trúc, nguyên nhân chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, lẻ, năng suất vật nuôi thấp, chi phí, giá thành cao; đa phần chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, chủ động tham gia hội nhập quốc tế, Tiến sĩ Đoàn Xuân Trúc cho rằng cần sớm điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi và Định hướng phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 theo hướng ưu tiên phát triển sản phẩm có lợi thế, tăng chất lượng, hạ giá thành, gia tăng giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn môi trường nhằm thực hiện tốt mục tiêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có lợi thế.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Hiển, Đại học Thái Nguyên, trước tiên cần phát triển chăn nuôi trang trại với quy mô lớn và hiện đại, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nhà nước cần quy hoạch các vùng chăn nuôi, xây dựng các trung tâm giống có uy mô lớn, hiện đại; nhập khẩu các giống vật nuôi tốt nhất và công nghệ sản xuất giống tiên tiến nhất của thế giới để tự túc sản xuất con giống, phục vụ chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn và nâng cao chất lượng sản phẩm.Các cơ sở chăn nuôi lớn khép kín cũng cần được quan tâm đầu tư.

Ở nước ta, chăn nuôi là ngành nghề cơ bản, không thể thiếu trong cơ cấu nông nghiệp. Đặc biệt, khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên thì chăn nuôi ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thực phẩm. Khi thịt-trứng-sữa trên bàn ăn ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và cao cấp về chất lượng cũng là lúc ngành chăn nuôi được đặt trong tình trạng báo động về nạn lạm dụng chất cấm, chất tạo nạc, kháng sinh… cũng như nguy cơ xuất hiện một số bệnh lây truyền từ động vật sang người, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi hiện nay còn phải đối mặt với biến đổi khí hậu cũng như thách thức với xu thế hội nhập mà ở đó có sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả, chất lượng sản phẩm và sự biến động thường xuyên của thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục