Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Kỳ vọng sẽ xử lý hết nợ xấu nhờ Nghị quyết mới

19:43' - 26/05/2017
BNEWS Nhiều ý kiến cho rằng khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua, dự kiến toàn bộ phần nợ xấu sẽ được xử lý xong trong 3 - 4 năm tới.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Ảnh minh họa: TTXVN

Thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV chiều 26/5, đại biểu Nguyễn Đức Kiên, thành viên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng, Nghị quyết về xử lý nợ xấu được thông qua, dự kiến toàn bộ phần nợ xấu sẽ được xử lý xong trong 3 - 4 năm tới.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết, các căn cứ để xây dựng Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về vấn đề tiếp tục xử lý nợ xấu đảm bảo an toàn của hệ thống an ninh tiền tệ. Ngoài ra, còn căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4.

Bên cạnh đó, theo phân công của Bộ Chính trị, Đảng, đoàn, Quốc hội cũng đã có 3 văn bản để góp ý cho Ban cán sự Đảng, Chính phủ về Nghị quyết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa; tiếp đến Nghị quyết thứ 2 là tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và cuối cùng là Nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân.

Trên tinh thần của 3 vấn đề này, Đảng đoàn Quốc hội cũng như các cơ quan tham mưu kiến nghị tách ra làm Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ, đối với Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng gồm 6 vấn đề.

Thứ nhất là không trái hiến pháp; thứ 2 là không phá vỡ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang hiện hành; thứ 3 là đảm bảo khống chế thời gian áp dụng của Nghị quyết; thứ 4 là do tính chất đặc thù của Nghị quyết là có hiệu lực ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp;

Thứ 5 là việc xử lý nợ xấu phải được tuân thủ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường. Và cuối cùng là không loại trừ trách nhiệm hình sự của các tổ chức và cá nhân đã gây ra các sai phạm do cố tình, cố ý làm trái để chuộc lợi.

Theo ông Kiên, Nghị quyết sẽ vẫn đảm bảo tính kế thừa quan điểm của Chính phủ là không sử dụng ngân sách Nhà nước để khắc phục nợ xấu. Như vậy, nội dung chính của Nghị quyết thể hiện ở trên 4 vấn đề.

Đó là: Nghị quyết kiến nghị có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và kết thúc vào ngày 1/7/2022 và Nghị quyết có quy định hàng năm Chính phủ có báo cáo với Quốc hội về việc xử lý nợ xấu.

Điểm mới thứ 2 của Nghị quyết là không phân biệt thành phần sở hữu của các tổ chức tín dụng (bao gồm tất cả các tổ chức tín dụng đang hoạt động trên đất nước Việt Nam).

Vấn đề thứ 3 là giới hạn lại thời gian xử lý của nợ xấu. Vấn đề thứ 4 là một điểm quan trọng của Nghị quyết là Nghị quyết đã hệ thống hóa lại và quy định lại trình tự xử lý tài sản đảm bảo thu gọn.

“Nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua, dự báo ngay trong 6 tháng cuối năm 2017, chúng ta có thể xử lý được khoảng 60 nghìn tỷ đồng mà nợ xấu đang nằm ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) hoặc ở các tổ chức tín dụng; đặc biệt 65 nghìn tỷ đồng đã được tòa tuyên nhưng vẫn đang còn nằm ở Tổng Cục thi hành án của Bộ Tư pháp chưa giải quyết được”, ông Kiên nói.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên kỳ vọng, chỉ cần 50% của mỗi khoản này được xử lý thì sẽ có khoảng 60 nghìn tỷ đồng đưa vào các tổ chức tín dụng để hoạt động.

Như vậy, hy vọng lãi suất cho vay của thị trường tài chính Việt Nam chỉ đến quý I/2018, có thể giảm được 0,75 điểm %. Và dự kiến trong 3 - 4 năm thì gần như toàn bộ phần nợ xấu đang nằm ở VAMC và ở các tổ chức tín dụng sẽ được xử lý xong.

Xem thêm:

>>> Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Tính thống nhất xây dựng quy hoạch tổng thể

>>> Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Duy trì tốc độ tăng trưởng để tạo sự ổn định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục