Nguyên nhân nào giúp Pháp thắng hợp đồng bán tàu ngầm cho Australia?

09:52' - 04/05/2016
BNEWS Australia đã chọn tập đoàn DCNS của Pháp để thực hiện hợp đồng cung cấp 12 tàu ngầm cho hải quân nước này.
Australia đã chọn tập đoàn DCNS của Pháp để thực hiện hợp đồng cung cấp 12 tàu ngầm cho hải quân nước này. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN

Quan ngại về các ý đồ của Trung Quốc và Nga đối với vấn đề lãnh thổ cũng như mối đe dọa thánh chiến gia tăng tại khu vực Thái Bình Dương, Australia đã chọn tập đoàn DCNS của Pháp để thực hiện hợp đồng cung cấp 12 tàu ngầm cho hải quân nước này.

Đây là nhận định của báo Le Figaro (Pháp) trong bài viết có tựa đề "Sự lựa chọn được quyết định bởi các mối đe dọa gia tăng ở Thái Bình Dương".

Theo bài báo, tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực đã khiến Australia chỉ định tập đoàn DCNS của Pháp làm nhà thầu cung cấp tàu ngầm vây ngắn Barracuda Block 1A lớp 4000 tấn.

Sách Trắng Quốc phòng được Canberra công bố hồi tháng Hai vừa qua đã phản ánh sự điều chỉnh lớn với nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc. Quan điểm này có nhiều "nét tương đồng" với quan điểm của Paris trong cách tiếp cận vấn đề này.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất gây ra mối đe dọa này, bởi Australia cũng đã phải đối mặt với nhiều âm mưu tấn công khủng bố. Cho đến nay, 150 người Australia đã gia nhập lực lượng thánh chiến.

Thông qua động thái trang bị tàu mới, Australia muốn chống lại sự lan rộng của các hoạt động thánh chiến. Thực tế cho thấy, mặc dù nằm cách xa vùng lãnh thổ do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng, song Australia vẫn tham gia liên minh chống IS, chủ yếu với các máy bay chở đồ tiếp tế.

Ngoài ra, Australia cũng lo lắng trước khả năng một số nhà nước tại khu vực Thái Bình Dương suy yếu hoặc sẽ trở nên bất ổn như Fiji, vì thế nước này đã tìm cách gia tăng sức mạnh hải quân và thiết lập sự tin tưởng địa chiến lược.

Theo Đại tá Jérôme Pellistrandi, Tổng biên tập tạp chí quốc phòng của Pháp, "làm chủ các đại dương đã trở thành yếu tố không thể né tránh đối với Australia".

Đối với Australia, việc đầu tư để hiện đại hóa đội tàu ngầm là yêu cầu cấp bách. Kể từ năm 2007, chương trình tàu ngầm mới SEA 1000 đã được khởi động để tìm hướng thay thế cho sáu tàu ngầm Collins do Thụy Điển thiết kế, sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025.

Chính vì vậy, Australia đã thực hiện phương án được đưa ra trong Sách Trắng Quốc phòng với việc trang bị 12 tàu ngầm - tăng gấp đôi số lượng hiện có.

Bước nhảy vọt về số lượng và chất lượng này làm cho đội tàu ngầm của Australia thực sự có khả năng răn đe. Australia sẽ đủ khả năng thể hiện sự hiện diện thường trực trên biển với sự tham gia của nhiều đơn vị và tăng bán kính hoạt động từ các căn cứ đóng tại Perth hoặc Sydney lên hàng nghìn kilomét để chạm tới các vùng lợi ích của mình.

Cho đến nay, chỉ có lực lượng hải quân Mỹ hoặc của Hoàng gia Anh là có được những khả năng trên. Với năng lực được tăng cường, Australia dự định tập trung vào một trong những ưu tiên chiến lược (quan điểm này cũng được Pháp chia sẻ), là tự do hàng hải trong một khu vực đôi khi có những căng thẳng có thể bùng nổ.

Sau nhiều năm không dành cho Pháp sự tin cậy, với hợp đồng này, Australia gửi đi một "tín hiệu" coi Pháp như là một cường quốc tại khu vực Thái Bình Dương.

Quá trình xích lại gần nhau về chính trị đã diễn ra trong thời gian qua. Bộ Quốc phòng Pháp thì hoan hỉ với "một chương trình hợp tác mở ra cho 50 năm tới", và cho rằng quan hệ hai nước từ nay đã thực sự trở thành quan hệ đối tác chiến lược.

Trong thời gian tới, hợp tác giữa hải quân Pháp và Australia sẽ phát triển mạnh mẽ. Tháng Ba vừa qua, một con tàu của Australia đã gia nhập nhóm tàu sân bay Pháp, hoạt động xung quanh hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle khi đó đang có mặt tại Ấn Độ Dương. Điều này cho thấy khả năng phối hợp tác chiến nhịp nhàng giữa hai đối tác Australia và Pháp.

Cũng cần phải nói thêm rằng, Mỹ - tác nhân chiến lược chủ chốt trong khu vực Thái Bình Dương – nước sẽ cung cấp hệ thống vũ khí cho các tàu ngầm của Australia, đã không ngăn cản việc Pháp tham gia đấu thầu.

Theo Jean-Pierre Maulny, Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS), trong một khu vực chiến lược đối với Washington, nơi mà Trung Quốc đang tịnh tiến những quân cờ, chắc hẳn Mỹ đã " bật đèn xanh” từ trước để người Pháp có thể thắng thầu hợp đồng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục