Nhà bán lẻ đẩy mạnh nội địa hóa, xây dựng thương hiệu hàng Việt

15:52' - 16/11/2017
BNEWS Tổng giá trị mà LOTTE Mart Hàn Quốc đã nhập khẩu hàng Việt Nam trong năm 2016 là 1.300 tỷ đồng, LOTTE Mart Indonesia và một số nước khác nhập khẩu tầm khoảng 100 tỷ đồng.
Nhà bán lẻ đẩy mạnh nội địa hóa, xây dựng thương hiệu hàng Việt. Ảnh: TTXVN

Song song với chiến lược đưa hàng hóa lên kệ kênh bán lẻ hiện đại để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, trong những năm gần đây, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh còn trở thành đối tác sản xuất, cung ứng hàng nhãn riêng cho các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.

Thông qua mối quan hệ hợp tác này, các nhà bán lẻ không chỉ góp phần nội địa hóa hàng Việt, mà còn trở thành đầu mối đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm.
Ghi nhận trên thị trường hiện nay, với sự đầu tư bài bản và quy mô, nhãn hiệu Choice L được Trung tâm thương mại và Đại siêu thị LOTTE Mart Việt Nam đã định vị là dòng sản phẩm dành cho gia đình chất lượng cao, không những đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn tiến tới mở rộng ra thị trường xuất khẩu.
Cụ thể, tổng giá trị mà LOTTE Mart Hàn Quốc đã nhập khẩu hàng Việt Nam trong năm 2016 là 1.300 tỷ đồng, LOTTE Mart Indonesia và một số nước khác nhập khẩu tầm khoảng 100 tỷ đồng. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng thủy sản, hàng quần áo thời trang; mặt hàng dùng cho sinh hoạt hàng ngày như các loại sữa tắm, nước tẩy rửa, dụng cụ nhà bếp…
Mới đây nhất, trong năm 2017, nhãn hàng riêng Choice L đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Myanmar hơn 100 loại mặt hàng chủ lực như hàng nông sản, hàng tiêu dùng... với trị giá đơn hàng hơn 1 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên cho thấy các sản phẩm của Choice L đã được người tiêu dùng và thị trường quốc tế công nhận và tin tưởng về chất lượng. Đặc biệt, LOTTE Mart Việt Nam cũng đặt mục tiêu về giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam trong năm 2017 khoảng tầm 2.000 tỷ đồng.
Hiện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) được biết đến như là một trong những nhà bán lẻ nội địa dẫn đầu về đồng hành và làm cầu nối mang hàng Việt đến với người tiêu dùng. Với kinh nghiệm nhiều năm liền triển khai hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hiện nay Saigon Co.op đã đạt được bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng và phát triển chiến lược nội địa hóa, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt quảng bá sản phẩm, thương hiệu.
Mặt khác, bắt nhịp với xu hướng phát triển tất yếu của ngành bán lẻ hiện đại, khai thác mối quan hệ tương hỗ, hợp tác cùng phát triển giữa nhà phân phối và nhà sản xuất, Saigon Co.op đã phát triển hàng nhãn riêng với tiêu chí "chất lượng và tiết kiệm" hướng đến tăng lợi ích cho các bên, trong đó có người tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, khởi động từ năm 2007 đến nay, hàng nhãn riêng Co.opmart của Saigon Co.op đã phát triển gần 500 mặt hàng, hơn 3.000 mã hàng, chủ yếu tập trung vào những nhóm hàng thiết yếu, đồ dùng gia đình... với chất lượng đảm bảo và giá tốt hơn giá hơn sản phẩm của thương hiệu cùng loại từ 5 – 30%.
Đánh giá về sản phẩm hàng nhãn riêng đang kinh doanh phổ biến trên thị trường, bà Nguyễn Hoàng, cư ngụ tại quận 8, Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng, cách đây vài năm khi tiếp cận hàng nhãn riêng của các nhà bán lẻ thì còn e ngại về chất lượng và chủng loại hàng hóa cũng không đa dạng.

Tuy nhiên, hiện nay gia đình khá ưa chuộng một số hàng nhãn riêng thuộc ngành hàng thiết yếu như gạo, nước mắm, trứng gia cầm, nồi, chảo... Bên cạnh được bảo chứng bằng thương hiệu của chính nhà bán lẻ, hàng nhãn riêng có giá cả rất cạnh tranh và phù hợp với thị hiếu cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Báo cáo của Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, tại thị trường Việt Nam, hầu hết các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang hoạt động tại thị trường Việt Nam đều tích cực phát triển hàng nhãn riêng, đặc biệt xem đây như phương thức khẳng định uy tín thương hiệu doanh nghiệp và hàng hóa đối với người tiêu dùng.

Các sản phẩm hàng nhãn riêng được kinh doanh phổ biến, với giá cả vô cùng cạnh tranh, do khi làm hàng nhãn riêng tiết kiệm được chi phí chiết khấu, tiếp thị, quảng bá...
Ngoài ra, việc phát triển nhãn hàng riêng được đánh giá mang lại lợi nhuận chính đáng cho các nhà cung cấp nội địa thông qua việc hợp tác đưa hàng Việt vào phân phối tại hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại trong và ngoài nước. Đồng thời, việc hợp tác phát triển nhãn hàng riêng còn giúp khắc phục những hạn chế của chuỗi sản xuất nội địa, nâng hàng hóa Việt lên tầm cao mới, đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.
Theo ông Yoon Byung Soo, Giám đốc chiến lược sản phẩm LOTTE Mart Việt Nam, có hai vấn đề mình cần quan tâm đối với việc nội địa hóa sản phẩm Việt thông qua phát triển hàng nhãn riêng là tính cạnh tranh về giá cả và năng lực cải thiện chất lượng cũng như đóng gói tốt hơn.

Việt Nam có điểm mạnh là chi phí sản xuất rẻ nên có lợi thế về cạnh tranh giá cả, nhưng so sánh với sản phẩm đồng giá thì về mặt chất lượng sản phẩm Việt Nam vẫn chưa đồng nhất thiết kế, mẫu mã đóng gói nên bị giảm sức hút đối với người tiêu dùng và khả năng thâm nhâp thị trường bán lẻ.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất trong nước khắc phục những hạn chế, ông Yoon Byung Soo cho hay, khi hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng nhãn riêng, LOTTE Mart Việt Nam trực tiếp tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra và giúp nhà cung cấp khắc phục những tồn tại trong quy trình sản xuất cũng như nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Tiếp theo sau đó LOTTE Mart Việt Nam đánh giá sản phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp quản lý chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, từ tháng 5/2016 LOTTE Mart Việt Nam thực hiện quy trình kiểm tra chất lượng nhãn hàng riêng định kỳ, đồng thời hiện nay đang có kế hoạch đánh giá và giám sát định kỳ riêng đối với vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, mục tiêu phát triển hàng nhãn riêng Co.opmart là mang lại lợi ích cho cả ba bên, gồm: người tiêu dùng mua được sản phẩm đảm bảo chất lượng giá tiết kiệm; nhà phân phối có nguồn hàng ổn định và phong phú; nhà sản xuất tận dụng tối đa hiệu quả công xuất và máy móc để sản xuất sản phẩm.

Do đó, nhà sản xuất phải là doanh nghiệp nội địa, đây cũng là hành động thiết thực của Co.opmart trong việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển, ưu tiên chọn các đối tác được xác định là nhà cung cấp chiến lược của Saigon Co.op.

>>>Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục