Nhiều nguy cơ đang "bủa vây" cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu

12:39' - 29/02/2016
BNEWS EU đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn từ xa dòng người di cư tràn vào 'lục địa già', đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Ai Cập hành động để giúp Brussels giải quyết thách thức này.
Nhiều nguy cơ đang "bủa vây" cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu. Ảnh: Reuters

Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh bất thường Liên minh châu Âu (EU) - Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhập cư diễn ra vào ngày 7/3 tới ở thủ đô Brussels (Bỉ), từ ngày 29/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sẽ có chuyến công du tới Vienna, Ljubljana, Zagreb, Skopje và Athens.

Chuyến đi của người đứng đầu Hội đồng châu Âu nhằm mục đích tiếp tục xây dựng một thỏa thuận của châu Âu về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư.

Trước đó, ông Donald Tusk nhấn mạnh: "Việc tái lập hoạt động hoàn toàn của khu vực Schengen cần phải có thời gian và cần phải đi cùng với các biện pháp nhằm đối phó với hậu quả nhân đạo tại các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng, cũng như các biện pháp hỗ trợ nhân đạo đối với người tị nạn Syria và các quốc gia láng giềng của Syria".

Ngoài ra, sứ mệnh của Chủ tịch Donald Tusk bắt đầu từ ngày 29/2 còn là giảm căng thẳng giữa Chính phủ Áo và Hy Lạp. Hôm 25/2, Athens đã từ chối chuyến thăm của Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner, giữa lúc chính quyền Athens còn đang tức giận trước việc Áo gạt Hy Lạp ra khỏi một hội nghị của khu vực Balkan bàn về vấn đề người di cư diễn ra hôm 24/2 ở Vienna.

Ngày 26/2, Slovenia, Croatia và Serbia đã áp đặt hạn ngạch đối với người di cư, theo đó chỉ cho phép 580 người đi qua biên giới các nước này mỗi ngày. Nhưng việc hạn chế này là hoàn toàn trái phép căn cứ vào luật pháp châu Âu và Hiệp ước Geneva. Hy Lạp, nơi hiện đón khoảng 2.000 người nhập cư mỗi ngày, sẽ cảm nhận được rõ rệt nhất sự khó khăn này.

Để giảm áp lực lên vùng đất liền của Hy Lạp, chính phủ nước này cũng đã quyết định hạn chế số lượng người nhập cư giữa các đảo và Athens, cũng như giảm số lượng các chuyến phà từ đảo về thủ đô. Những người nhập cư được đi ngay sẽ ở trên các con phà neo đậu tại các đảo Lesbos, Chios và Samos.

Kể từ ngày 21/2 vừa qua, Macedonia đã từ chối cho người di cư Afghanistan đi từ Hy Lạp vào quốc gia này. Biện pháp này khiến khoảng 4.000 người nhập cư bị dồn lại tại biên giới hai nước.

Trong khi đó, thêm một mối đe dọa nữa đối với cuộc khủng hoảng di cư đang diễn biến rất phức tạp tại châu Âu, đó là việc các băng nhóm và tổ chức đưa người nhập cư trái phép tìm cách khôi phục lại tuyến đường biển tới "lục địa già" từ Ai Cập, trong bối cảnh làn sóng người di cư tại Libya và Thổ Nhĩ Kỳ đang quá tải.

Một quan chức của EU cho biết, trong thời gian một năm trở lại đây, hoạt động của những kẻ buôn người di cư trái phép tại thành phố Alexandria trên Địa Trung Hải của Ai Cập đã gia tăng đáng kể. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức đối với châu Âu trong việc ngăn chặn các chiến binh Hồi giáo từ bán đảo Sinai của quốc gia Bắc Phi này vượt biên trái phép để xâm nhập vào Hy Lạp hay Italy.

Ai Cập không phải là tuyến đường đưa người nhập cư trái phép chính vào châu Âu trong năm ngoái khi hơn 80% lượng người di cư chọn đường từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp và một phần từ Libya vào Italy, nhưng với xu hướng hiện nay con đường từ Ai Cập thực sự là "một mối lo ngại ngày càng gia tăng".

EU đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn từ xa dòng người di cư tràn vào 'lục địa già', đồng thời kêu gọi các nhà chức trách Ai Cập hành động để giúp Brussels giải quyết thách thức này. Châu Âu sử dụng chính sách viện trợ và quan hệ thương mại để thúc đẩy Ai Cập hành động hơn nữa chống lại hoạt động buôn người trái phép.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Ai Cập đã phê chuẩn Dự luật chống di cư bất hợp pháp, trong đó quy định khung hình phạt tiền nặng và kết án lao động khổ sai đối với những người tham gia hoạt động đưa người bất hợp pháp.

Ủy viên châu Âu phụ trách di cư Dimitris Avramopoulos cũng đã cảnh báo: "Nếu không có sự đồng nhất và thông cảm tại hội nghị hôm 7/3 thì chúng ta sẽ rơi vào thảm họa".

Hơn 250.000 người nhập cư từ các nước khác nhau ở Trung Đông và trên thế giới đã tìm cách vượt Địa Trung Hải từ các quốc gia Bắc Phi - bao gồm Libya, Tunisia và Ai Cập - tìm đường tới châu Âu trong năm 2015. Hàng ngàn người trong số này đã bị thiệt mạng trong hành trình dài lênh đênh trên biển.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục