Những “sự cố” chung cư bắt nguồn từ ý thức

10:08' - 10/06/2017
BNEWS Tại chung cư Gemek Tower, khi trời mưa bão, giông lốc, gió lùa qua cửa cầu thang thoát hiểm hoặc cửa sổ, lô gia (nếu cư dân không đóng kín) làm tốc tấm trần thạch cao tại hành lang.
Chung cư Gemek Tower, khu đô thị Nam An Khánh-Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Được bàn giao từ tháng 9/2016, chung cư Gemek Tower (Khu đô thị Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) làm chủ đầu tư gồm 2 tòa tháp cao 34 tầng với tổng số 994 căn hộ đã đón dân về ở. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số người dân phàn nàn về chất lượng công trình, nhất là sau trận mưa giông đầu mùa tại Thủ đô vừa qua.
Theo phản ánh của người dân, nhiều mảng trần khu chung cư Gemek Tower bị xô lệch hoặc kéo giật xuống trong cơn giông.
Trước mối quan tâm của gần 1.000 hộ dân đang sinh sống tại đây về nguyên nhân sập và xô lệch tấm trần hành lang, ông Đinh Đăng Vinh, Trưởng Ban quản lý tòa nhà Gemek Tower giãi bày: "Gemek Tower là một trong số ít tòa nhà cao tầng ở khu vực An Khánh, Hoài Đức nên mỗi khi có giông, lốc, gió siết quanh nhà rất mạnh".
Khi trời mưa bão, gió to, xuất hiện giông lốc, gió lùa qua cửa cầu thang thoát hiểm hoặc cửa sổ, lô gia (nếu cư dân không đóng kín) làm tốc tấm trần thạch cao tại hành lang (do trần hành lang và trần nhà vệ sinh của chung cư là các tấm trần thả). Điển hình như sự việc rơi tấm trần tại tầng 25B2 chiều 6/6 và trước đó là 1-2 căn hộ bị rơi tấm trần nhà vệ sinh.

Cửa thoát hiểm chung cư Gemek Tower thường xuyên bị mở. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Trước cơn giông, lốc, Ban quản lý tòa nhà đã gửi thông báo đến toàn bộ các gia đình, cư dân đề nghị cư dân khi mưa to, gió lớn đóng tất cả các cửa lô gia tránh hiện tượng gió lùa vào nhà làm tốc trần nhà vệ sinh. Đồng thời, tuyệt đối không tự ý mở cửa thoát hiểm.
Tuy nhiên, do vào đợt nắng nóng cao điểm, nên ở một số tầng, cư dân vẫn mở cửa thoát hiểm, thậm chí còn dùng vật dụng chẹn vào để giữ cửa mở to, cho thoáng, dẫn đến sự việc rất đáng tiếc - ông Vinh cho hay.
Hiện nay, nhiều chung cư thiết kế trần hành lang và trần nhà vệ sinh bằng tấm trần thả. Do đó, hiện tượng khi có giống, lốc cũng nhiều nhà gặp tình trạng trần nhà vệ sinh bay phập phồng hay rụng tấm trần hành lang.
Mặc dù thiết kế này đã bộc lộ “nhược điểm” những vẫn được nhiều chủ đầu tư sử dụng. Một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế lý lý giải, đây hiện là thiết kế phổ biến tại nhiều tòa nhà nhằm bảo dưỡng, sửa chữa thuận tiện vì nhiều hệ thống kỹ thuật được bố trí chạy dọc trần hành lang chung. Còn tại các căn hộ, khu vệ sinh bố trí loại trần này để dễ dàng xử lý “sự cố”.
Do đó, để không xảy ra các hiện tượng này, ý thức của người dân sinh sống tại chung cư cũng rất quan trọng. Đơn cử như việc mở cửa cầu thang thoát hiểm, dù được nhắc nhở nhiều lần những người dân vẫn không tuân thủ nghiêm túc - ông Vinh chia sẻ.
Ngay tại chung cư Gemek Tower - nơi vừa xảy ra “sự cố” sập và xô lệch các tấm trần, Ban quản lý tòa nhà cho biết, thường xuyên khuyến cáo, thang thoát hiểm chỉ thoát ra được 1 chiều từ hành lang ra cầu thang thoát hiểm, chỉ đi được từ trên xuống dưới hoặc lên tầng mái.

Cửa hành lang luôn được đóng và chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, không ít người dân không tuân thủ mà vẫn bỏ ngoài tai với lý do lấy gió thoáng.
Ghi nhận tại chung cư Gemek Tower sau “sự cố”, mặc dù trần hành lang các tầng đã được chỉnh sửa trở lại ngay ngắn nhưng tình trạng cửa thoát hiểm tại một số tầng vẫn vô tư mở rộng, thậm chí được chèn chặt để gió không đẩy cửa khép vào.

Điều này cho thấy, ý thức cũng người dân trong sử dụng cũng tác động rất lớn đến việc bảo vệ và giữ gìn chất lượng công trình.
Ban quản lý Gemek Tower cho biết, chuẩn bị đối phó với mùa mưa bão, từ giữa tháng 5, đơn vị đã phối hợp với nhà thầu kiểm tra toàn bộ trần phòng vệ sinh tòa A và B. Trong quá trình kiểm tra, các đinh treo lỏng đã được thay hoặc siết chặt lại.

Nếu người dân tuân thủ nghiêm túc các quy định mà Ban quản lý tòa nhà đã thông báo thì những sự việc đáng tiếc như vừa rồi sẽ không xảy ra.
Không chỉ dừng lại ở chất lượng công trình, tại chung cư này, người dân phản ánh họ đang phải sử dụng nước với giá cao hơn so với giá quy định của nước sinh hoạt. Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều cư dân các chung cư khác trên địa bàn Hà Nội.
Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện Công ty nước sạch chỉ bán nước đến khu chung cư theo đồng hồ tổng. Theo quy định chung của toàn thành phố, hộ nào có hộ khẩu trên địa bàn, nếu không có hộ khẩu thì phải có sổ tạm trú dài hạn, có hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư, sẽ được ký hợp đồng áp dụng giá nước sinh hoạt, nếu không có giấy tờ đầy đủ như vậy, sẽ phải trả tiền nước theo giá kinh doanh.
Bởi vậy, việc cùng sống chung tại một tòa nhà nhưng phải trả mức giá nước sinh hoạt khác nhau là điều đang xảy ra tại nhiều chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, chứ không riêng gì Gemek Tower. Bản thân nhiều chủ đầu tư cũng muốn Công ty nước sạch trực tiếp giao dịch với nhà dân nhưng không được.
Theo Ban quản lý Gemek Tower, mỗi tòa nhà họ đang phải chịu lỗ 400 triệu đồng/tháng ở riêng khâu nước sạch này.
Xu hướng sống tại các căn hộ chung cư đã trở thành tất yếu tại nhiều đô thị trung tâm, nhất là khi đất chật mà người ngày càng đông.

Tuy nhiên, văn hóa và ý thức sống tại chung cư cũng là điều đáng bàn, nhất là việc làm quen và tuân thủ với các quy định của tòa nhà để cùng tạo lập môi trường sống văn minh, hiện đại, tiện ích./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục