Đảm bảo an toàn cho trẻ em ở chung cư cao tầng

07:02' - 04/06/2017
BNEWS Bên cạnh những ưu điểm về mặt kinh tế và sự tiện lợi thì không gian sống này cũng tồn tại một số hạn chế, đặc biệt là sự an toàn đối với trẻ nhỏ.
Ở nhà chung cư là xu hướng của các gia đình trẻ hiện nay. Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ở nhà chung cư là xu hướng của các gia đình trẻ hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm về mặt kinh tế và sự tiện lợi thì không gian sống này cũng tồn tại một số hạn chế, đặc biệt là sự an toàn đối với trẻ nhỏ.

Nhiều năm gần đây, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn rất thương tâm do trẻ rơi từ các tòa nhà chung cư cao tầng.

Có thể điểm qua một số vụ tai nạn xảy ra ở Hà Nội như: Ngày 16-3-2015, tại tòa nhà CT19 khu đô thị Việt Hưng (Long Biên), một bé trai 5 tuổi đã tử vong do rơi từ tầng 6; ngày 15-7-2016, khi đang chơi ngoài ban công tầng 11 của tại tòa nhà Rain Bow (khu đô thị Linh Đàm - Hoàng Mai), bé trai 6 tuổi bị rơi xuống tầng 2 và tử vong tại chỗ; cũng ở khu đô thị Việt Hưng nhưng tại tòa nhà K6, ngày 30-10-2016, một cháu bé 7 tuổi rơi xuống khu vực giếng trời từ tầng 11 xuống tầng 2. Và gần đây nhất, ngày 27-5-2017, một bé trai 5 tuổi rơi từ tầng 17 của tòa nhà New Sky Line (Văn Quán - Hà Đông).

Ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra không ít tai nạn do rơi ngã từ ban công. Tháng 8-2014, một bé trai 5 tuổi sống tại căn hộ tầng 15 chung cư Bình Khánh, TP. Hồ Chí Minh đã tử vong khi ngã từ lan can xuống đất trong lúc ở nhà một mình. Tại tỉnh Bình Dương, ngày 18-11-2015, một em nhỏ trong lúc chơi đã bị rơi xuống từ cửa sổ tầng 3 tại chung cư Sóng Thần (phường Dĩ An, thị xã Dĩ An).

Điểm chung của hầu hết các vụ tai nạn này là các bé đều đang ở độ tuổi còn nhỏ, hiếu động, rơi ngã khỏi ban công, cửa sổ khi ở nhà một mình hay khi đang chơi một mình.

Nhằm hạn chế những vụ việc đáng tiếc, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ ở các tòa nhà chung cư, cao tầng, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Tuyệt đối không nên để con nhỏ ở nhà một mình hoặc không có sự giám sát.

- Đảm bảo rằng lan can (thanh chắn) ban công đáp ứng đủ các tiêu chuẩn hiện hành: ít nhất là cao 1 m, tốt nhất là cao hơn 1,3 m, không có các khe hở nào rộng hơn 10-12,5 cm, không có phần nào mà trẻ có thể dùng làm điểm tựa leo lên hoặc trèo qua ban công. Những thứ mà trẻ em có thể trèo lên hoặc đứng lên như: bàn, ghế hoặc chậu cảnh… nên được đặt tránh xa rìa ban công.

- Tránh thực hiện các hoạt động có thể gây nguy hiểm trước mặt trẻ (chơi đùa ngoài ban công, ngồi lên thành ban công…) vì trẻ thường bắt chước rất nhanh. Tốt nhất, khi không có việc cần thiết, nên khóa cửa ban công. Ngoài ra, cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, xử lý những khu vực có thể xảy ra tai nạn.

Ban Quản lý chung cư, những gia đình láng giềng phát huy trách nhiệm, sự quan tâm cộng đồng, thông báo, nhắc nhở những sơ suất, bất cập có thể xảy ra tai nạn…

Mùa hè đến, cũng là lúc trẻ nhỏ được ở nhà nhiều hơn, bởi vậy, các gia đình cần đặc biệt quan tâm tới con em mình, bởi vì với tính hiếu động, tò mò, chỉ một sơ xuất nhỏ, các em cũng gặp phải những tai nạn đáng tiếc./.

>>> Các giải pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em

>>> Người dân không nên lạm dụng nước muối sinh lý cho trẻ em

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục