Yêu cầu giải quyết dứt điểm tranh chấp trong quản lý sử dụng chung cư

16:23' - 08/05/2017
BNEWS Pháp luật về nhà ở đã có các quy định cụ thể để xử lý các vướng mắc trong quá trình sử dụng nhà chung cư, nhưng vẫn xảy ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân với chủ đầu tư.

Bộ Xây dựng cho biết, việc thi hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trong thời gian vừa qua cho thấy, mặc dù pháp luật về nhà ở đã có các quy định cụ thể để xử lý các vướng mắc trong quá trình sử dụng nhà chung cư, nhưng tại một số địa phương vẫn còn xảy ra các khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân với chủ đầu tư.

Sân chung cư 310 Minh Khai bị quán bia chiếm dụng. Ảnh: Ninh Việt

Hầu hết các vướng mắc tập trung vào một số nội dung như: tổ chức Hội nghị nhà chung cư; thành lập và quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư...

Các mâu thuẫn, tranh chấp này làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương và tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Do đó, cần phải sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương khẩn trương triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư nhằm giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu kiện phát sinh nêu trên.

Theo đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BXD và Thông tư số 28/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật về nhà ở, các địa phương ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về nhà ở.

Cùng đó, công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà ở cần được tăng cường, nhất là những trường hợp như: không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư; không tổ chức hoặc gây khó khăn trong việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư.

Việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở hay hành vi lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt... cũng cần được giám sát chặt chẽ.

Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần chủ động giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành để khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên cơ quan trung ương.

Với những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các địa phương cần báo cáo về Bộ Xây dựng để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục