Nông nghiệp "loay hoay" kết nối doanh nghiệp và sản xuất

13:45' - 27/05/2016
BNEWS Trong dài hạn phải tái cơ cấu các ngành hàng, trong đó quan trọng là đưa được những nhân tố mới vào quá trình sản xuất và làm sao thu hút doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp.
Hội thảo "Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam 2016". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Ngày 27/5, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016”.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, năm 2016, các thị trường có dấu hiệu phục hồi lại nhưng chỉ tăng nhẹ bởi, một số sản phẩm nông nghiệp thời gian qua giá đã xuống đáy.

Đang trên đà phục hồi nhưng nông nghiệp Việt Nam lại gặp phải những khó khăn về thời tiết, thiên tai để có nguồn cung sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường đang lên dần đó. Đó là những thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm mà ngành nông nghiệp phải xử lý.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho biết, trong ngắn hạn phải khắc phục thiên tai, kiểm soát tốt dịch bệnh để thúc đẩy nguồn cung, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng nguồn cầu tốt hơn.

Trong trung và dài hạn là phải tái cơ cấu các ngành hàng, trong đó có việc rất quan trọng là đưa được những nhân tố mới vào trong quá trình sản xuất và đó là làm sao thu hút doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp.

Chính doanh nghiệp là người sẽ kết nối nông dân, đưa khoa học công nghệ vào để đảm bảo khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông sản Việt Nam. Những mặt hàng có thể đi tiên phong là cà phê, lúa gạo, hồ tiêu, thủy sản…

“Trong các dự báo quốc tế, trong trung và dài hạn chưa hi vọng sẽ có đột phá thay đổi tăng lên về giá, thậm chí có một số mặt hàng giá sẽ giữ nguyên và xuống một chút”. - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhận định.

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội nhìn nhận, các FTA sẽ giúp Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn cao hơn về rào cản kỹ thuật, sự cạnh tranh gay gắt của nông sản các nước…

Thêm vào đó là tác động của biến đổi khí hậu, sự xuất hiện nhiều loại dịch bệnh mới trong nông nghiệp sẽ khiến nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều cản trở mới.

Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam JongHa Bae cho rằng, là quốc gia xuất khẩu nhiều nông sản trên thế giới, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc tháo gỡ rào cả, tiếp cận thị trường. Cùng với đó là việc tăng đầu tư vào hạ tầng nông thôn, những chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có thế mạnh… đặc biệt là nâng cao sự thích ứng cho nông dân trong bối cảnh hội nhập.

Trong khuôn khổ hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016” cũng diễn ra các phiên thảo luận đánh giá về triển vọng thị trường trong các ngành hàng như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục