Nông sản an toàn: Không để "vàng thau lẫn lộn"

13:51' - 19/05/2018
BNEWS Theo Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội, nông sản an toàn đang bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn.
Nông sản được sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đang bị đánh đồng với sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh minh họa: Thanh Tùng-TTXVN

Trong thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chuyển biến trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng trên thực tế cũng mới chỉ kiểm soát được 30% sản phẩm là có nguồn gốc xuất xứ.

Chính vì vậy, nông sản được sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… đang bị đánh đồng với sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không an toàn.
Theo số liệu điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện trạng phân phối, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố có 6 hình thức chính: Bán rau trực tiếp cho các siêu thị chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ rau an toàn chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn công nhân, trường học,...) chiếm 1,8%; các thương lái thu gom chiếm 12,6%; người sản xuất tự bán tại các chợ bán lẻ (chợ dân sinh) chiếm 26,8%, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với hợp tác xã, doanh nghiệp còn rất ít; bán buôn tại các chợ đầu mối chiếm 55,8%.
Như vậy, chợ đầu mối vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ chính nông sản cho người nông dân. Tuy nhiên hoạt động buôn bán, tiêu thụ tại các chợ này bị thương lái chi phối cả về giá cũng như nguồn cung dẫn đến việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ gần như bỏ ngỏ.
Theo Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội, nông sản an toàn đang bị đánh đồng với sản phẩm không an toàn khiến việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm càng trở nên khó khăn. Các cơ quan chức năng chưa phát huy được vai trò của mình trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chỉ đạt 30%, nên chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng về nông sản an toàn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn yếu. Trong khi đó, phần lớn các hộ nông dân chỉ quan tâm đến sản xuất và bán trực tiếp ngay cho thương lái mà chưa nghĩ đến làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Chính vì vậy, nhiều sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối hiện đại, hay xuất khẩu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá; giá cả không ổn định hầu hết phụ thuộc vào định giá của thương lái; đồng thời do không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nông sản nên dẫn đến tình trạng "vàng thau lẫn lộn".
Bên cạnh đó, vẫn còn không ít hộ nông dân, hợp tác xã vẫn chạy theo lợi nhuận nên chưa nhận thức được chỉ có sản xuất các sản phẩm an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thì mới nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho hay, mặc dù siêu thị đã có quy định rõ ràng với hàng hóa đưa vào hệ thống siêu thị, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp, hợp tác xã không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc đưa sản phẩm nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại không dễ dàng.
Trong khi đó, ở góc độ người sản xuất, đại diện hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho biết, việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận thấp nhưng rủi ro nhiều, nên vẫn còn ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch, khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đào tạo nông dân về thị trường, kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm phù hợp mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; kết nối các đơn vị phân phối với các hộ sản xuất…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất nông sản bền vững theo quy hoạch; công khai phát triển vùng/khu vực nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng của thành phố và vùng Thủ đô.
Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, nhất là xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Song song đó, Hà Nội cũng sẽ chuẩn hóa quy trình sản xuất cho các chuỗi để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất khẩu.../.

>>> Cơ hội lớn để các hợp tác xã quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục