Nước Anh có dễ chối bỏ Tòa án Công lý châu Âu hậu Brexit?

05:30' - 26/07/2017
BNEWS Trong vấn đề Brexit, người Anh cho rằng Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) chính là nguyên nhân làm “xứ sở sương mù” mất chủ quyền về mặt luật pháp.
Nước Anh có dễ chối bỏ Tòa án Công lý châu Âu hậu Brexit? Ảnh: Reuters

"Đưa nước Anh tự kiểm soát mình", tư tưởng nhấn mạnh vào vấn đề chủ quyền dân tộc được những người ủng hộ Brexit - việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) -  tán dương trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016, sau đó được sự ủng hộ của Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May, hẳn nhiên sẽ tạo ra vấn đề tranh chấp được đánh giá là rất trắc trở giữa nước Anh và EU trong các cuộc đàm phán về Brexit.

Thực chất đây chính là vấn đề liên quan đến vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đối với nước Anh hậu Brexit. Trong bài phát biểu tại Đại hội đảng Bảo thủ hồi tháng 1/2017, bà May đã hứa: "Chúng ta sẽ giành lại quyền kiểm soát về luật pháp của mình và kết thúc thẩm quyền của ECJ tại nước Anh.

Luật pháp của chúng ta sẽ phải được ra đời ở Westminster, Edinburgh, Cardiff và Belfast. Luật pháp càng không thể được các thẩm phán ở Luxembourg giải thích mà phải do các tòa án của nước Anh giải thích".

Bước đầu tiên của tiến trình này đã được bắt đầu vào ngày 13/7 vừa qua với việc công bố "Dự luật rút khỏi EU" - một văn bản sẽ có hiệu lực vào thời điểm Brexit diễn ra. Điều đó có thể gây tác động đối với luật pháp của nước Anh cũng như luật của EU.

Vấn đề đặt ra là làm sao để đảm bảo sự liên tục khi nước Anh chuyển từ áp dụng các luật của EU với vị trí tài phán đang thuộc thẩm quyền của ECJ sang áp dụng hệ thống pháp lý của riêng họ.

Thoạt nhìn tưởng như vấn đề thật đơn giản, nhưng trên thực tế thì mọi việc lại rất phức tạp. Trước tiên là vì phía EU hiện không đồng quan điểm với nước Anh.

Ngay khi đưa ra đường lối chỉ đạo về đàm phán, EU đã khăng khăng cho rằng ECJ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phân xử các tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện Thỏa thuận về việc nước Anh rời khỏi EU trên một loạt vấn đề như quyền của các công dân châu Âu sinh sống trên đất nước Anh hay các bất đồng trong thương mại.

Châu Âu cũng cho rằng luật pháp của EU sẽ tiếp tục là yếu tố tham chiếu tại Vương quốc Anh ngay cả sau khi Brexit diễn ra.

Franklin Dehousse, cựu thẩm phán của ECJ, vừa đưa ra giải thích trong hai bài báo được Viện Egmont xuất bản cho biết liên quan đến ECJ, các yêu cầu do EU đưa ra là quá nhiều và mang tính áp đặt.

Vậy liệu phía EU có chấp nhận chiều ngược lại trong trường hợp Tòa án tối cao nước Anh xử lý các yêu cầu bảo vệ các công dân Anh sinh sống tại các nước thành viên EU hay không?

Vị cựu thẩm phán này cho rằng có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này, đó là hai bên cùng nhau thành lập một cơ quan trọng tài hỗn hợp. Với kịch bản này thì dẫu sao người Anh cũng vẫn phải chấp nhận một cơ quan tài phán từ bên ngoài.

Về cách thức xét xử, khuôn khổ pháp lý được xác định bởi luật pháp và một tập hợp những giải thích về các phán quyết. Chính phủ của bà Theresa dự kiến rằng tất cả các quyết định của các ECJ trước Brexit sẽ có cùng giá trị như các quyết định của Tòa án nước Anh.

Điều này có nghĩa là theo suy diễn logic, cách thức xét xử của ECJ như trước khi Brexit diễn ra vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng. Mặt khác, Luật về Brexit được phía Anh trình bày ngày 13/7 lại chỉ ra rằng tòa án nước này sẽ không tham khảo các bản án hoặc quyết định của ECJ sau Brexit.

Điều này đặt ra một vấn đề hóc búa là nếu các tòa án nước Anh bắt đầu giải thích luật pháp theo cách khác với ECJ, điều này sẽ đặt các công ty của Vương quốc Anh vào tình huống cực kỳ khó xử khi thực hiện giao thương trong EU.

Logo của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ). Ảnh: Reuters

Hồi tháng Sáu vừa qua, Chủ tịch ECJ Koen Lenaerts, người Bỉ, đã nói về điều đó trong cuộc gặp gỡ với báo chí tại Luxembourg rằng "nhiều công ty Anh đóng trên đất châu Âu sẽ phải đến 'quỳ gối' để chờ đợi phán quyết của ECJ".

Liên quan đến các trường hợp đang chờ giải quyết, nhiều người đang tự hỏi điều gì xảy ra sau ngày 1/4/2019 - thời điểm dự kiến nước Anh chính thức rời khỏi EU - đối với các vụ việc đang được xét xử trước ECJ có liên quan đến công dân và doanh nghiệp nước Anh hay các trường hợp vi phạm khác bị Ủy ban châu Âu đưa ra xem xét?

Đối với châu Âu, lý lẽ đơn giản là những trường hợp này sẽ phải do ECJ xét xử từ đầu đến cuối. Và các phán quyết được đưa ra trước thời điểm Brexit chính thức diễn ra vẫn phải tiếp tục được thi hành. Người châu Âu còn đi xa hơn khi đánh giá rằng các thủ tục pháp lý mới đối với những hành vi vi phạm trước Brexit sẽ phải bị xét xử tại ECJ ngay cả sau khi nước Anh đã chính thức rời EU.

Phía Anh dù chưa chính thức tuyên bố quan điểm về vấn đề này nhưng nhiều khả năng họ sẽ không đi theo con đường do EU vạch ra.

Đối với vấn đề thỏa thuận về quan hệ với EU, vai trò của ECJ cùng khuôn khổ pháp lý châu Âu sẽ được định hình theo cách thức nào hoàn toàn phụ thuộc vào mối quan hệ mà nước Anh mong muốn đạt được với châu Âu trong tương lai.

Ông Franklin Dehousse giải thích rằng vấn đề ở đây là nước Anh sẽ tìm cách để giữ lại một cách có chọn lọc các kết nối với EU. Nước Anh càng mong muốn tiếp tục được tiếp cận thị trường chung thì họ sẽ càng phải thỏa hiệp.

Ví dụ như trường hợp các nước ngoài EU thuộc khu vực kinh tế châu Âu như Na Uy, Iceland, Liechtenstein để được tham gia thị trường chung đều đã phải đồng bộ các quy định pháp luật của mình theo ECJ và ECJ chính là cơ quan pháp luật có thẩm quyền.

Vậy mà chính vì London muốn được "giải thoát" khỏi ECJ mà bà May đã quyết định rút khỏi Thị trường chung và Liên minh thuế quan cũng như EU vì cùng một lý do. Tuy nhiên, sau khi cuộc bầu cử sớm diễn ra với việc đảng Bảo thủ mất thế đa số tuyệt đối tại Nghị viện, áp lực ngày càng mạnh, nhất là từ giới kinh doanh, buộc Chính phủ nước Anh phải xem xét lại vấn đề.

Giáo sư về luật châu Âu Devor Jancic thuộc Đại học Queen Mary đánh giá Brexit càng mềm mại thì càng nhiều cơ hội để ECJ duy trì được phạm vi ảnh hưởng lớn hơn. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, nhiều khả năng dù bất kỳ thỏa thuận nào được ký với EU, phía Anh vẫn mong muốn đạt được một thỏa thuận tự do thương mại sâu rộng kiểu như CETA.

Điều này gần như đảm bảo cho ECJ sẽ vẫn duy trì được vai trò hiện nay của mình. Điều này cũng có giá trị đối với một thỏa thuận chuyển tiếp, điều khó tránh khỏi trong trường hợp đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai sẽ cần nhiều năm và khó có thể kết thúc cùng thời hạn với Brexit.

London cũng vừa thừa nhận ECJ sẽ có một vai trò trong những thỏa thuận chuyển tiếp. Như vậy, có thể dễ dàng suy đoán rằng nước Anh sẽ không thể sớm thoát khỏi ECJ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục