Nước biển ven bờ tại Thừa Thiên - Huế vẫn đảm bảo an toàn

16:39' - 06/05/2016
BNEWS Ngày 6/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ.
Nước biển ven bờ tại Thừa Thiên - Huế vẫn đảm bảo. Ảnh minh họa: TTXVN

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh đã tiến hành quan trắc 12 mẫu nước biển ven bờ tại các bãi tắm, 3 cửa biển và 2 điểm lấy nước nuôi trồng thủy hải sản (theo công văn 1511/BTNMT-TCMT); 14 mẫu tại cửa biển Thuận An và nước đầm phá Tam Giang trong lần lấy mẫu gần đây nhất (4/5) cho thấy vẫn đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước.

Theo kết quả quan trắc nước biển ven bờ tại các bãi tắm ở thời điểm quan trắc, tất cả các thông số quan trắc (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe, Cu, Zn, phenol) đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục nước biển ven bờ) – QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Kết quả quan trắc nước biển tại khu vực cửa biển Thuận An, khu vực lấy nước nuôi trồng thủy hải sản, các cửa biển ở thời điểm quan trắc, tất cả các thông số quan trắc (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe, Cu, Zn) ở các điểm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục nước biển ven bờ) – QCVN 10-MT:2015/BTNMT. 

Tỉnh cũng đã tổ chức lấy mẫu nước để xét nghiệm chất lượng môi trường nước biển ven bờ tại các bãi tắm (Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, Vinh Thanh, Quảng Ngạn, Điền Lộc), các cửa biển và điểm lấy nước nuôi trồng thủy hải sản ven biển (khu vực xã Phong Hải, Điền Hương, Điền Môn, Vinh Mỹ), kết quả tất cả các thông số quan trắc (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe) đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục nước biển ven bờ) - QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Đáng lưu ý, tất cả các mẫu nước tại các địa điểm nêu trên đều đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước.

Liên quan đến tình trạng cá lồng nuôi trên khu vực đầm phá bị chết, tập trung chủ yếu vào các ngày 2 và 3/5; hộ nuôi nhiều nhất 20 lồng, ít nhất 5 lồng nuôi bị thiệt hại, ước chừng vài tấn cá. Cụ thể hộ nuôi cá Trần Thị Thu ngày 3/5, có 2.000 con cá nuôi loại từ 0,5-0,7 kg, đối tượng nuôi là cá hồng, cá chẽm bị chết.

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tình trạng cá chết vừa qua chưa xác định được nguyên nhân, lại trùng vào thời điểm ở Thừa Thiên - Huế các ngày ấy có mưa dông, nên không loại trừ cá chết do thiếu ô xy.

Bởi cá chết toàn cá to, không chết cá nhỏ và chỉ chết cá trong lồng nuôi, cá ngoài tự nhiên không chết. Hiện các ngành chức năng đã thu hồi mẫu cá, mẫu nước trong vùng nuôi để xét nghiệm tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho xả 15 triệu m3 nước sông Hương qua đập ngăn mặn Thảo Long để giảm độ mặn trong môi trường nuôi cá lồng trên đầm phá. Trong khi chưa rõ nguyên nhân cá chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thường xuyên theo dõi các đối tượng nuôi thủy sản để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất lợi của môi trường nuôi; tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào bè nuôi, ao nuôi ven biển vùng bị thiệt hại trong khi chờ xác định nguyên nhân; chuẩn bị tốt con giống, vệ sinh lồng bè, ao đầm nuôi; chú trọng quan trắc môi trường trước khi cấp nước vào các ao nuôi nuôi trồng thủy sản ven đầm phá.../. 

>>> Chất lượng nước biển Đà Nẵng nằm trong giới hạn cho phép

>>> Quảng Bình: Phát hiện nước biển ven bờ đổi màu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục