Nút thắt trong quá trình thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu

05:30' - 05/11/2017
BNEWS Báo Jakarta Globe số ra mới đây đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Natalie Blyth thuộc ngân hàng HSBC với tựa đề: "Làm thế nào để tiếp tục duy trì thương mại tự do toàn cầu?"
Nút thắt trong quá trình thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu. Ảnh minh họa: TTXVN

Thương mại tự do ngày càng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Thời kỳ hoàng kim của thương mại tự do trong những năm 1980-1990 đã được đánh dấu bằng sự ra đời của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đồng thời sự hội nhập nhanh chóng của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu đã tạo ra các dòng dịch chuyển thương mại mạnh mẽ.

Tuy nhiên, mặt trái của điều này là sự mất cân bằng trong thương mại giữa các nước. Hậu quả là Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và nguy cơ TPP "chết yểu" đang trở thành hiện thực.

Nhìn bề ngoài, hoạt động thương mại toàn cầu dường như vẫn phát triển tốt. Số lượng các container chở hàng trên những tuyến đường biển của thế giới tăng đều đặn sau cú sốc mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, giá trị hàng hóa đang giảm đi đi vì giá cả đi xuống. Trước khủng hoảng, thương mại toàn cầu đã tăng trưởng nhanh hơn GDP. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nó phát triển kém hơn và đang đối mặt với những rủi ro liên quan đến cả chính trị và kinh tế.

Một số người đang bị cám dỗ bởi lập luận rằng thương mại là nguyên nhân chính của bất bình đẳng và rằng hệ thống này được điều hành bởi các tầng lớp thượng lưu toàn cầu - những người làm việc vì lợi ích quốc gia của mình.

Điều này về cơ bản là sai bởi nó đe doạ đến sự hòa bình và thịnh vượng trên thế giới bằng cách khuyến khích các nhà hoạch định chính sách sử dụng biện pháp bảo hộ để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, vào thời điểm thế giới cần tự do hoá thương mại nhiều hơn.

Vì vậy, tất cả những người ủng hộ thương mại tự do và công bằng nên giành lại các giá trị tích cực mà thương mại toàn cầu mang đến với 3 nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, cần giải thích rằng thương mại toàn cầu tồn tại bởi mọi người muốn có nó. Thương mại toàn cầu là khái niệm đơn giản về lợi thế so sánh, nhờ đó mà một cộng đồng có thể sản xuất hàng hoá thì hàng hóa của họ cần phải được đến tay những người tiêu dùng đang có nhu cầu.

Thương mại là cách mà các công nhân chế biến thịt đã tạo ra thành phố Sheffield của Vương quốc Anh, bên cạnh đó nó còn tạo ra các thành phố là "thủ phủ" ngành thép thế giới... cũng như chúng ta có thể dễ dàng mua những mặt hàng "hảo hạng" từ chè, bông, cao su của các nước trên thế giới.

Thương mại toàn cầu cũng giúp chúng ta có thể mua các phim bom tấn của Hollywood. Thương mại không chỉ là hàng hóa vật chất mà ngày càng có nhiều dịch vụ và điều này đang được trao đổi thông qua công nghệ.

Thế giới đang cần tự do hoá thương mại nhiều hơn. Ảnh minh họa: TTXVN

Thương mại toàn cầu là cần thiết cho sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), công nhân sản xuất ở các nước tương đối mở cửa có thu nhập gấp 3-9 lần so với các nước có nền kinh tế đóng cửa.

Cách đây nửa thế kỷ, Đông Nam Á là một khu vực bị chia rẽ, nhưng tới năm nay khi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến hành hàng loạt các sự kiện kỷ niệm tuổi 50 thì có một thực tế rằng thông qua hợp tác và thương mại, các quốc gia thành viên đã cùng nhau xây dựng và tạo nên nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và đề ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Hai là, cần thừa nhận rằng lợi ích của thương mại toàn cầu chưa được chia sẻ một cách công bằng. Vì vậy, chúng ta cần tìm ra các giải pháp chính sách để xây dựng lòng tin bằng cách hỗ trợ phân phối của cải và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.

Các doanh nghiệp phải đóng một vai trò lớn hơn trong một thế giới mà công nghệ và tự động hóa đang cách mạng hóa cuộc sống của người dân. Việc nộp thuế là không đủ, thay vào đó, các công ty cần hợp tác với chính phủ để phát triển thị trường giáo dục và lao động, đem lại cho người lao động những kỹ năng và sự bảo vệ cần thiết để thành công.

Ba là, đảm bảo có các khung pháp lý và quy định nhằm tối ưu hóa việc tiếp cận thương mại. Điều này có nghĩa là làm cho các thủ tục, tiêu chuẩn và hiệp định đơn giản và nhất quán hơn để dễ dàng hơn cho các công ty thực hiện hoạt động xuyên biên giới.

Điều này cũng có nghĩa là đảm bảo rằng các quy định về vốn sẽ khuyến khích tài chính thương mại bằng cách công nhận hồ sơ có rủi ro thấp, cho phép các tổ chức tài chính có thể giải ngân nguồn vốn  1.700 nghìn tỷ USD ước tính trong nhu cầu cho tài chính thương mại toàn cầu.

Thương mại không phải là thuốc chữa bách bệnh cho tất cả các vấn đề của thế giới nhưng sức mạnh của nó để tạo ra sự thịnh vượng là rất lớn. Một số xu hướng không thể ngăn cản đã bắt đầu trở thành hiện thực để thúc đẩy thương mại và sự thịnh vượng trong thế kỷ 21.

Thương mại điện tử đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng ở các quốc gia mà không cần đặt chân đến đó. Trong 30 năm tới, việc mở rộng tầng lớp trung lưu ở châu Á và châu Phi sẽ làm cho khoảng 3 tỷ người thoát khỏi đói nghèo.

Các sáng kiến do châu Á dẫn đầu đang xây dựng một nền kinh tế toàn cầu hội nhập hơn, chẳng hạn như thị trường chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, đã làm giảm đi một nửa thời gian để hàng hóa được vận chuyển giữa Anh và Trung Quốc bằng đường sắt.

Nhưng chỉ bằng cách sửa chữa niềm tin trong thương mại và bằng cách tạo ra một hệ thống tốt hơn và công bằng hơn chúng ta mới có thể tận dụng các xu hướng này và nắm bắt các cơ hội mà nó có thể mang lại.

Xem thêm:

Thương mại toàn cầu: Bảo hộ “lấn át” tự do giao thương?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục