Pháp rời khỏi khu vực đồng euro: Được hay mất? (Phần 2)

06:30' - 01/05/2017
BNEWS Giới quan sát cho rằng dù nước Pháp có ra khỏi liên minh tiền tệ hay không, những ảnh hưởng về phương diện kinh tế không quan trọng bằng tác động về mặt chính trị.
Pháp rời khỏi khu vực đồng euro: Được hay mất? Ảnh: Reuters

Xét trên phương diện tài chính, bà Anne-Laure Delatte, Phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế của Pháp – CEPII, nhận định rằng nợ của các ngân hàng Pháp chủ yếu nằm trong tay chủ nợ nước ngoài.

Điều đó có nghĩa là nếu như giá trị đồng tiền của Pháp có thay đổi, nợ của ngân hàng qua đó cũng trồi hay sụt theo.

Từ khi sử dụng đồng euro, các khoản giao dịch tài chính của ngân hàng Pháp với quốc tế đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Frexit là một mối đe dọa và các chủ nợ sẽ ngần ngại khi rót tín dụng cho nước này. Hậu quả trực tiếp là Pháp sẽ phải đi vay nợ với lãi suất cao hơn.

Thêm vào đó, các ngân hàng Pháp và lĩnh vực tư nhân khi đi vay bằng đơn vị tiền tệ nào thì phải thanh toán cho chủ nợ bằng đơn vị đó. Ví dụ một ngân hàng Pháp vay đồng yen với một đối tác Nhật Bản thì khi trả nợ, sẽ phải trả bằng đồng euro hay yen, chứ không thể chuyển đổi sang franc để hoàn lại cho chủ nợ.

Hiện tại các chủ nợ chính của giới ngân hàng Pháp gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Luxembourg và Thụy Sỹ. Ngoài Đức và Luxembourg, với các chủ nợ còn lại, đơn vị tiền tệ của họ được coi là những thành trì kiên cố. Điều đó có nghĩa là nếu Pháp từ bỏ đồng euro, đồng tiền của Pháp sẽ mất giá mạnh so với yen, USD, hay đồng franc Thụy Sỹ.

Theo nghiên cứu của CEPII, hiện tại chỉ riêng với các định chế ngân hàng và tư nhân Đức, trung bình một người Pháp nợ khoảng 1.500 euro. Nếu như tiền Pháp bị mất giá 12%, thì gánh nặng nợ nần đó tăng thêm 300 euro mỗi đầu người. Chỉ một ví dụ vừa nêu đủ cho thấy từ bỏ đồng euro, Pháp sẽ thiệt thòi nhiều.

Với khu vực nhà nước, Chính phủ Pháp ký hợp đồng đi vay với một điều khoản cho phép hoàn trả lại chủ nợ bằng đơn vị tiền tệ hiện hành. Nghĩa là nếu quay lại với đồng franc, tiền nợ được tính theo thời giá của chỉ số hối đoái giữa franc với euro, và Pháp sẽ thanh toán cho chủ nợ bằng đồng franc.

Đó là về mặt lý thuyết và Pháp có quyền làm như vậy. Nhưng chủ nợ có chấp nhận cầm đồng franc hay không lại là chuyện khác.

Chuyên gia cảnh báo về bất ổn chính trị nếu Pháp rời khu vực đồng euro. Ảnh: Reuters

Chuyên gia kinh tế Anne-Laure Delatte cho rằng nếu trường hợp trên xảy ra, các bên sẽ lao vào một cuộc đọ sức pháp lý vô cùng nhiêu khê và tốn kém cho phía Pháp. Đó là chưa kể nhiều cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro tài chính đã báo trước rằng nếu trả nợ bằng đồng franc, thì Paris coi như đơn phương tuyên bố mất khả năng thanh toán.

Trên thực tế, chuyện đi vay bằng euro, nhưng trả nợ bằng đồng franc khó có thể chấp nhận được.

Nhiều viện nghiên cứu nêu lên thiệt hại do Frexit gây ra lên tới hàng trăm tỷ euro. Sau những dự đoán sai lầm từ tác động của Brexit đến hiệu ứng Donald Trump đối với kinh tế Mỹ, liệu rằng viễn cảnh Pháp từ bỏ đồng euro có đáng lo ngại như các chuyên gia cảnh báo?

Bà Anne-Laure Delatte cho rằng mọi người cần thận trọng khi dự đoán các tác động kinh tế của sự kiện này khi hiện vẫn còn quá nhiều ẩn số. Dù nước Pháp có ra khỏi liên minh tiền tệ hay không, những ảnh hưởng về phương diện kinh tế không quan trọng bằng tác động về mặt chính trị.

Chuyên gia này nhận định nếu từ bỏ Eurozone, nước Pháp sẽ bước vào một giai đoạn khác mà ở đó khu vực đồng euro không còn nữa. Liên minh châu Âu sẽ bị suy yếu và thế giới lại quay về mô hình lưỡng cực, có thể là Nga-Mỹ, có thể là Nga-Trung hay Mỹ- Trung…

Trong bối cảnh đó, Pháp “một thân một mình” sẽ không đủ sức để áp đặt bất cứ điều gì trong các vòng đàm phán trên mọi phương diện từ luật tài chính đến các chuẩn mực môi trường… với những nước lớn như Mỹ, hay Trung Quốc và kể cả Nga.

Vị Phó giám đốc CEPII thừa nhận mô hình châu Âu hiện tại không hoàn hảo và thiếu tính dân chủ, nhưng dù sao đi nữa, trong một khối với 27 hay 28 nước, Pháp vẫn đang có tiếng nói mạnh mẽ.

Xem thêm:

>> Pháp rời khỏi khu vực đồng euro: Được hay mất? (Phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục