Phát triển nông nghiệp bền vững: Bài cuối - Những giải pháp khả thi

10:05' - 07/04/2018
BNEWS Trước những thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp bền vững , các nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp cấp bách cần nhanh chóng được ưu tiên thực hiện.

Tuy còn hạn chế về số lượng đề tài, dự án trong khuôn khổ thời gian và kinh phí được cấp, nhưng Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đề xuất được những giải pháp trong nhiều lĩnh vực, liên quan đến phát triển nền nông nghiệp bền vững; xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội nông thôn; các giải pháp xây dựng hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, cũng như giải pháp chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ở các vùng, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển nông nghiệp bền vững: Bài cuối - Những giải pháp khả thi. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Kết quả khả quan

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới cho biết, cho đến nay Chương trình đã chuyển giao được gần 150 công nghệ gồm nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, xây dựng và quản lý thủy lợi; đào tạo và tập huấn cho hơn 6.000 lượt cán bộ khoa học kỹ thuật, nông dân và tham gia đào tạo nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, cao học và sinh viên.

Đặc biệt, Chương trình đã huy động được nguồn lực của các doanh nghiệp đóng góp gần 45% tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, khẳng định cách đi đúng của nông nghiệp liên kết.

Trên cơ sở đó đã chuyển giao vào sản xuất 146 quy trình, giải pháp công nghệ; xây dựng được 131 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị.

Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở các vùng dự án phát triển hiệu quả và có tính bền vững, tăng năng suất trồng trọt từ 35-40%, tăng thu nhập hộ nông dân khoảng 25%, đem lại lợi nhuận trên 1 ha khoảng 300-400 triệu đồng; thu lợi cho từng lao động 30-40 triệu đồng/ha…

Các kết quả nghiên cứu, xây dựng hạ tầng thủy lợi góp phần hình thành hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho trên 7,3 triệu ha đất lúa, 1,5 triệu ha cây rau màu, cây công nghiệp; ngăn mặn cho 0,87 triệu ha; cải tạo chua phèn 1,6 triệu ha…

Các công trình thủy lợi hình thành hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển đa dạng hóa cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp.

Tuy vậy, cần phải phát huy cao hơn nữa năng lực thiết kế của hệ thống thủy lợi so với mức 68-75% hiện nay, bằng các giải pháp xây dựng thủy lợi nội đồng.

Đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải nghiên cứu đồng bộ các giải pháp có tính bổ trợ lẫn nhau, một mặt cải thiện môi trường vùng đất nhiễm mặn phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, đồng thời ngăn chặn các nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn.

Từ đó hoạch định xây dựng hạ tầng thủy lợi và tổ chức sản xuất nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng xanh, sinh kế bền vững của người dân nơi đây.

Một số giải pháp cấp bách

Đứng trước những thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà khoa học tham gia Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đề xuất một số giải pháp cấp bách cần nhanh chóng được ưu tiên thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long cần nghiên cứu đồng bộ các giải pháp có tính bổ trợ lẫn nhau. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Đó là cải thiện môi trường vùng đất nhiễm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Trước hết là quy hoạch công trình thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi mục đích sản xuất, đảm bảo có thể lấy đủ nước mặn, ngọt cho phát triển nuôi trồng thủy sản mặn, lợ (chủ yếu là tôm thẻ, tôm sú) trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước trong mùa mưa lũ.

Đồng thời áp dụng các giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi các vùng ven biển, xây dựng các vùng nuôi thâm canh thủy sản nước mặn-lợ.

Rà soát quy hoạch lại hạ tầng thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ tái cơ cấu ngành, chỉnh trang bố trí đồng ruộng, đảm bảo tưới tiêu chủ động, đáp ứng cơ giới hóa sản xuất.

Quy hoạch bỏ dần các trạm bơm nhỏ chỉ tưới được từ 5 - 100 ha, xây dựng trạm bơm lớn tưới tiêu cho ô bao tiểu vùng từ 300-500ha.

Mặt khác, hoàn thiện tổ chức quản lý tưới tiêu, bảo vệ môi trường; áp dụng các phương thức kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; phát triển tổ chức, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đi đôi với hoàn thiện cơ chế, chính sách. Nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng…

Về giải pháp ngăn chặn những nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn, Giáo sư Tiến sĩ Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh, phải từng bước phát triển vành đai rừng phòng hộ ven biển chắn sóng, hạn chế tình trạng sạt lở bờ biển, bảo vệ đất và bảo vệ tính phong phú, đa dạng của môi trường hệ sinh thái ngập nước ven biển.

Nghiên cứu các mô hình kè mềm sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, gây bồi, tạo bãi bồi để trồng rừng ngập mặn. Quản lý chặt chẽ khai thác cát lòng sông, ven biển.

Thông qua Ủy ban sông Mê Kông và các tổ chức quốc tế nhằm hạn chế những rủi ro từ thượng nguồn; tăng cường liên kết với các nước trong lưu vực sông Mê Kông để có được sự chia sẻ thông tin quản lý, điều hành những hồ chứa thủy điện, về số liệu dòng chảy cũng như có tiếng nói chung trong các quy trình điều hành hồ chứa ở thượng nguồn. Quy hoạch, xây dựng hệ thống hồ sinh thái chứa nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là giải pháp phi công trình dài hạn và bền vững, giúp chủ động khắc phục nguyên nhân gây sạt lở, ngập úng và lún sụt đất do thiếu hụt, mất cân bằng bùn cát và khai thác nước ngầm quá mức ở đồng bằng này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục