Thấy gì từ mức tăng trưởng 3,76% của ngành nông nghiệp?

09:36' - 31/03/2018
BNEWS Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng 4,05%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,76%, cao hơn mức tăng của qúy I các năm 2011-2017.
Nông dân xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng 4,05%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,76%, cao hơn mức tăng của qúy I các năm 2011-2017. Đây được coi là điểm nhấn trong sự đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế quý I/2018. Điều này đã khẳng định xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, sản xuất theo tín hiệu thị trường của ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả.

Trong quý I/2018, ngành trồng trọt chủ yếu tập trung vào thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông tại các tỉnh phía Bắc, gieo trồng lúa và cây trồng khác vụ Đông Xuân, đồng thời thu hoạch lúa Đông xuân sớm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến nay, các địa phương phía Bắc đã gieo cấy được 1.097.400 ha lúa Đông Xuân, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước, tiến độ gieo trồng lúa Đông Xuân cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một phần nhỏ diện tích thuộc khu vực miền núi cao phía Bắc do ảnh hưởng của rét đậm rét hại đầu vụ nên đến nay vẫn đang tiếp tục gieo cấy.

Tại các địa phương phía Nam, sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018 đã và đang diễn ra trong tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất có nhiều thuận lợi, tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn ít có những biến động bất lợi cho sản xuất. Tình hình hạn mặn ở các tỉnh ven biển cũng tương đối ổn định đến thời điểm này. Bởi vậy, diện tích gieo trồng lúa Đông Xuân 2018 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ và chín; trong đó, có 680.000 ha đã cho thu hoạch, chiếm 34,5% diện tích xuống giống và bằng 67,6% so cùng kỳ. Ước tích toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ Đông Xuân 2017-2018 gieo cấy được gần 1,61 triệu ha; năng suất ước đạt 66,8 tạ/ha, tăng 4,33 tạ/ha, sản lượng ước đạt 10,748 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với vụ Đông Xuân năm trước.

Với lúa Mùa, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã hoàn tất công tác thu hoạch. So với vụ Mùa năm 2017, diện tích lúa Mùa tăng 9.300 ha, năng suất tăng 7,4 tạ/ha, sản lượng tăng 182.800 tấn. Diện tích lúa Mùa 2018 tăng chủ yếu ở Kiên Giang do không bị ảnh hưởng bởi nhiễm mặn như những năm trước.

Rẫy màu tươi tốt hứa hẹn cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Hay ở Cà Mau, diện tích gieo trồng lúa tôm do trồng lúa trên đất nuôi tôm giúp cải thiện môi trường nước, cân bằng hệ sinh thái, hạn chế dịch bệnh và giảm rủi ro cho tôm nuôi. Cùng với thời tiết năm nay có mưa nhiều, nguồn nước trên thượng nguồn đổ về sớm hơn mọi năm, việc làm đất rửa mặn gặp nhiều thuận lợi, kết hợp hệ thống cống ngăn mặn cũng được chính quyền các cấp đầu tư nâng cấp, chủ động đóng, dỡ thường xuyên, đảm bảo nguồn nước không bị ảnh hưởng đến sản xuất.

Sản xuất thuận lợi, cùng với xuất khẩu tốt nên giá lúa từ đầu năm đến nay luôn ở mức ổn định cao. Trong 3 tháng đầu năm, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 1,36 triệu tấn với 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng và tăng 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là I-rắc, Malaysia, Gana, Singapore….

Bên cạnh đó, diễn biến về giá cả thị trường một số mặt hàng nông sản tương đối ổn định và có xu hướng tăng ở mặt hàng lương thực đã tác động đến việc thâm canh cây trồng. Một số cây công nghiệp lâu năm đã bắt đầu vào thu hoạch. Sản lượng chè búp tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu tăng 9,8%; cao su mủ khô tăng 1,8%; đặc biệt là điều tăng 30%. Sản lượng một số loại cây ăn quả tăng khá như: xoài tăng 6,9%; chuối tăng 1,9%; quýt tăng 4%...

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn (ngô, rau màu, cây ăn trái) và sang nuôi trồng thủy sản, nhất là ở các địa phương khó khăn về nguồn nước như miền núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuyển cơ cấu sản xuất từ lúa - trái cây - thủy sản sang thủy sản - trái cây - lúa; phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao.

Vụ Đông Xuân ở Nam bộ, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long không phải là mùa vụ chính để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Nhưng vụ này, các tỉnh Nam bộ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt khoảng 16.500 ha. Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày như: ngô, lạc, đậu tương, vừng, rau đậu các loại… và cây ăn quả. Diện tích chuyển đổi trên đất lúa sang cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, chôm chôm, thanh long, sầu riêng… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, các tỉnh, thành phố vùng Nam bộ sẽ chuyển đổi cây trồng trên đất lúa với 120.138 ha.

Với kết quả đạt được của quý I, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đánh giá, so với mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hoàn thành năm 2018, khả năng ngành sẽ đạt được, nếu không có đột biến lớn. Tuy nhiên, rất khó có thể lường hết được những khó khăn phía trước, đặc biệt về thị trường, thời tiết. Do đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ những rào cản thương mại.

Trước tình hình thương mại luôn có những biến động khó lường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu, các đơn vị tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản... Triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế, đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong kiểm dịch, bảo vệ thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; nhân rộng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ... Khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh, có năng lực cạnh tranh cao, tham gia mạng sản xuất, kinh doanh và chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, nhất là nhóm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ việc hoàn thiện thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ thục hành chính theo đúng kế hoạch đặt ra. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh cụ thể, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện đang bước vào thời kỳ quan trọng trong việc chăm sóc lúa Đông Xuân ở miền Bắc và bắt đầu triển khai vụ Hè Thu sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật chủ động giám sát dịch bệnh và có những biện pháp xử lý ngay, hướng dẫn người kịp thời, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, rầy lưng trắng, châu chấu ở phía Bắc… Đây được coi là những loại dịch bệnh “đến hẹn lại lên”, do đó không được để người dân bất ngờ, hoang mang.

Ở miền Bắc, năm nay, các loại cây ăn quả như nhãn, vải… phát triển khá tốt khả năng được mùa cao, tỷ lệ ra hoa đạt 90-95%, trong khi năm ngoái chỉ đạt 60-65%. Với tình hình trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các địa phương đẩy nhanh, làm sớm việc xúc tiến thương mại các sản phẩm nhãn, vải.

“Để đảm bảo tăng trưởng ngành, từng thủ trưởng đơn vị quyết liệt, đôn đốc chỉ đạo. Từng đơn vị phải tự xác định nhiệm vụ của mình đưa ra giải pháp sáng tạo, khả thi và chủ động ứng biến để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.

Cải thiện phương án thích ứng biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp
Cải thiện phương án thích ứng biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục