Quan chức DIF: Moody’s vẫn "chính trị hóa" khi xếp hạng kinh tế Nga

06:03' - 20/02/2017
BNEWS Nếu quyết định của các cơ quan đánh giá tín nhiệm không bị chính trị hóa thì Moody’s đáng lẽ đã phải điều chỉnh sự đánh giá của họ đối với trái phiếu chính phủ Nga.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp (DIF) của Nga Kirill Dmitriev. Ảnh: Getty Images

Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp (DIF) của Nga Kirill Dmitriev ngày 18/2 cho rằng động thái của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng triển vọng trái phiếu chính phủ Nga từ “tiêu cực” lên “ổn định” là "tích cực", song mức xếp hạng đối với các tài sản Nga vẫn đang bị "chính trị hóa".

Theo ông Dmitriev, Moody’s vẫn đánh giá thấp những chuyển biến tích cực của nền kinh tế “xứ Bạch dương”.

Nếu quyết định của các cơ quan đánh giá tín nhiệm không bị chính trị hóa thì Moody’s đáng lẽ đã phải điều chỉnh sự đánh giá của họ đối với trái phiếu chính phủ Nga, hiện được duy trì ở mức Ba1 – bậc cao nhất trong khung xếp hạng (những trái phiếu) “không đáng đầu tư”.

Theo Moody’s, trong thời gian qua, Moskva đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, và nền kinh tế nước này cũng đang trên đà phục hồi sau gần hai năm chìm trong suy thoái.

Tuy nhiên, Moody’s vẫn giữ nguyên mức xếp hạng Ba1 đối với trái phiếu chính phủ Nga vì Moskva chậm trễ trong việc triển khai các cam kết tái cơ cấu và “các rủi ro về địa chính trị”.

Moody’s cho hay sẽ đưa Nga ra khỏi khung xếp hạng “không đáng đầu tư” nếu Moskva có những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng dễ tổn thương của nền kinh tế và tài chính công, đồng thời thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng.

Vào tháng 4/2016, Moody’s đã xếp hạng trái phiếu chính phủ Nga ở mức Ba1 với triển vọng “tiêu cực” vì quan ngại nguồn tiền tiết kiệm của nước này bị cạn dần trong bối cảnh giá dầu liên tục lao dốc.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích vừa do hãng tin Bloomberg thực hiện, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga dự kiến tăng trưởng 1,1% trong năm 2017 và 1,5% trong năm 2018. Giới chuyên gia cho rằng yếu tố quan trọng giúp kinh tế Nga có thể đạt được kết quả trên là nhờ giá dầu tiếp tục đà tăng mạnh từ năm 2016, sau hai năm giảm sâu.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác hỗ trợ GDP của Nga đi lên bao gồm việc nước này cải thiện môi trường đầu tư và những rủi ro chính trị có khả năng giảm bớt. Ngoài ra, những kỳ vọng Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng mang tới tín hiệu tích cực.

Bộ Phát triển Kinh tế Nga dự báo GDP của "xứ sở Bạch dương" có thể sẽ tăng 2% vào cuối năm 2017, với mức giá dầu cao như hiện nay. Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) dự báo kinh tế Nga sẽ tăng 1% năm 2017, 1,5% năm 2018. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 1,5% năm 2017, 1,7% năm 2018.

>>> Nga lo ngại đồng ruble tăng giá ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục