Quản lý rừng Tây Nguyên: “Vướng” từ cơ chế hưởng lợi

15:54' - 02/08/2016
BNEWS Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút, kích thích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết không những cho khu vực Tây Nguyên mà cho cả các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, Đông Bắc cũng như các nước bạn Campuchia và Lào.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Tây Nguyên.

Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng rừng, đất rừng của Tây Nguyên hiện nay?

Ông Trần Việt Hùng: Tây Nguyên gồm có 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Sau 30 năm đổi mới, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt đời sống đồng bào Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện chủ trương, chính sách và phát triển vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, bao gồm cả các bất cập trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn tài nguyên rừng Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng và đa dạng sinh học. Từ năm 2010 đến năm 2014, rừng Tây Nguyên đã giảm 307.000 ha, độ che phủ rừng giảm nhanh từ 51,9% xuống còn 45,8%, trữ lượng rừng giảm 57 triệu m3; trong đó tỷ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%, loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% thuộc loại nghèo kiệt. Số lượng động vật rừng, thảo dược quý hiếm cũng giảm mạnh…

Hiện nay, Tây Nguyên quy hoạch đất cho lâm nghiệp trên 3,354 triệu ha; trong đó diện tích có rừng là trên 2,567 triệu ha.

Khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra trong nhiều năm với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Việc mất rừng còn do chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, với hơn 72.000 ha, chuyển đất rừng để xây dựng 50 công trình thủy điện…

Trong khi đó, công tác quản lý, khôi phục rừng còn nhiều bất cập. 55 công ty lâm nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước với nguồn nhân lực mỏng, năng lực và trách nhiệm có hạn, quản lý còn nhiều bất cập… dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, buông lỏng quản lý rừng.

Nhiều cơ sở chế biến gỗ hình thành tự phát không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng tiêu thụ gỗ bất hợp pháp, làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ trái phép, thậm chí tạo thành đường dây khai thác gỗ trái phép có hệ thống.

Công tác giao đất, giao rừng còn nhiều thiếu sót. Chủ rừng không có phương án sản xuất phù hợp dưới tán rừng, thiếu vốn sản xuất… Hay tình trạng dân di cư đến ngoài kế hoạch cũng ồ ạt phá rừng trái phép. Trong khi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ các cấp chưa thật sự coi trọng và thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Phóng viên: Theo ông, những vướng mắc khó khăn trong bảo vệ và phát triển rừng Tây Nguyên hiện nay là gì?

Ông Trần Việt Hùng: Thực tế, hiện nay mô hình các đơn vị quản lý bảo vệ, kinh doanh nghề rừng chưa ổn định, tổ chức và hoạt động không thống nhất. Các chủ rừng chịu trách nhiệm rất lớn nhưng các điều kiện cần thiết như kinh phí cấp hàng năm thấp, phân bổ chậm, đầu tư trang thiết bị hạn chế, lực lượng thiếu, yếu, nhiệm vụ, quyền hạn chưa rõ ràng, các chế độ đãi ngộ thấp...

Quản lý rừng Tây Nguyên: “Vướng” từ cơ chế hưởng lợi. Ảnh minh họa: TTXVN

Cơ chế hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm thu nhập để thu hút, kích thích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia vào công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Người dân sống gần rừng không có lợi ích từ việc giữ rừng, trong khi đó nhu cầu mở rộng đất sản xuất để phát triển kinh tế, nhu cầu về gỗ, củi, các sản phẩm từ rừng phục vụ cho đời sống ngày càng lớn nên người dân đã xâm hại rừng.

UBND cấp xã được giao quản lý diện tích rừng rất lớn nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến tình trạng như không có chủ quản lý bảo vệ rừng.

Phóng viên: Để khôi phục và phát triển rừng vùng Tây Nguyên bền vững giai đoạn 2016-2020, theo ông cần có giải pháp gì?

Ông Trần Việt Hùng: Mục tiêu bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên đến năm 2020 đạt 2,71 triệu ha và nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,8%. Phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng.

Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao mức sống cho người dân và giữ vững an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên.

Theo đó, trước mắt cần hoàn thành việc rà soát, lập quy hoạch bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên vào năm 2017. Thực hiện nghiêm việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất.

Rà soát, đánh giá cụ thể bố trí cây trồng nông nghiệp ở Tây Nguyên, bao gồm cả cây trồng nông nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp, đề xuất cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn Tây Nguyên.

Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng địa phương. Trên cơ sở Tổng điều tra kiểm kê rừng đã được công bố, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng đến Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, chủ rừng.

Huy động các tổ chức chính trị - xã hội kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản, đất sản xuất trái pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực trên 2,2 triệu ha rừng tự nhiên sang mục đích khác kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nhất là rừng khộp.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt.

Giải quyết kịp thời tình trạng di dân đến ngoài kế hoạch trước khi người dân phá rừng lấy đất sản xuất; tổ chức giải toả, thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để có kế hoạch trồng lại rừng. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tổ chức sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp theo đúng phương án tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ…

Để thực hiện các giải pháp trên cần xây dựng và triển khai các đề án phát triển các chuỗi giá trị rừng đối với từng đối tượng rừng; trong đó xác định rõ vai trò, lợi ích của từng chủ thể tham gia chuỗi giá trị. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc tình trạng tranh chấp về lợi ích giữa việc phá rừng với việc bảo vệ và phát triển rừng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục