Thúc đẩy Hiệp định khung kinh tế số ASEAN hướng tới mục tiêu 2 nghìn tỷ USD

16:21' - 18/04/2025
BNEWS Với tiềm năng nền kinh tế số ASEAN có thể đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030, Malaysia với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2025 đang nỗ lực thúc đẩy triển khai Hiệp định khung kinh tế số ASESAN.

Với tiềm năng to lớn, nền kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á ước tính có thể đạt 2.000 tỷ USD vào năm 2030. Malaysia, với tư cách là chủ tịch ASEAN năm 2025, đang hướng tới việc thúc đẩy triển khai Hiệp định khung kinh tế số (DEFA) trong thời gian tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trả lời phỏng vấn báo giới ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Malaysia Gobind Singh Deo chia sẻ Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ phối hợp cùng các nhà lãnh đạo trong khu vực để sớm triển khai Hiệp định DEFA, qua đó tạo ra tác động tích cực, không chỉ đối với Malaysia mà còn cả các quốc gia khác trong khu vực.

 

Hiệp định DEFA nhấn mạnh vào việc tạo ra một hệ sinh thái kinh tế số năng động, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thương mại điện tử, đảm bảo an ninh mạng, sử dụng công nghệ thanh toán kỹ thuật số cũng như các chính sách chuyển đổi số như lập hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, quá trình thảo luận vẫn gặp một số khó khăn khi một số quốc gia có những thế mạnh riêng, trong khi đó một số nước khác vẫn cần thêm thời gian để xây dựng mạng lưới kết nối internet và cơ sở hạ tầng số.

Trọng tâm của Malaysia trong năm Chủ tịch ASEAN là xem xét cơ chế cho phép một số quốc gia triển khai trước nội dung của Hiệp định DEFA khi có đủ điều kiện và các quốc gia còn lại có thể tiếp tục nâng cấp, xây dựng hệ sinh thái số.

Về vai trò của Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN), Bộ trưởng Gobind cho biết hội nghị này là diễn đàn để các nước thành viên thảo luận về những thách thức hiện tại cũng như xây dựng kế hoạch hành động trong lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm việc ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến và thông tin giả.

Lừa đảo trực tuyến hiện đang là thách thức xuyên biên giới khi nhiều nạn nhân và đối tượng phạm tội không ở cùng một quốc gia. Do đó, ASEAN cần xem xét đưa ra một cơ chế khu vực để giải quyết vấn để này hiệu quả hơn. Thông qua ADGMIN, Malaysia nhấn mạnh các quốc gia thành viên cần phải có hành động và chiến lược truyền thông chung nhằm ngăn chặn tội phạm trực tuyến, qua đó giúp người dân cảm thấy an toàn khi sử dụng các nền tảng số.

Malaysia cũng mong muốn các nền tảng số phải chia sẻ thông tin chính xác, đúng sự thật, được xác thực và được cân nhắc trước khi phổ biến rộng rãi cho người dân ở nhiều quốc gia khác nhau. Điều này rất quan trọng vì chính phủ, doanh nghiệp sẽ dựa trên các thông tin này để đưa ra các quyết định liên quan đến quản lý kinh tế xã hội, hoạt động kinh doanh chính xác hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục