Công bố Báo cáo Đánh giá tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam

16:24' - 18/04/2025
BNEWS Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện sẽ được phát từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Chiều 18/4, tại Hà Nội, Cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Lễ công bố Báo cáo tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam năm 2025.

Lễ công bố được thực hiện theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Toà nhà Cục Khí tượng Thủy văn, số 8 Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, tỉnh, thành phố trong cả nước. 

 

Tham dự sự kiện có sự tham gia của khoảng 100 đại biểu, là cán bộ quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành có biển, các đối tác nước ngoài, các công ty điện gió, UNDP Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Ngân hàng thế giới, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia, các chuyên gia thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, khí tượng thuỷ văn...

Phát biểu tại lễ công bố, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net-ZERO tại COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030 do Liên Hợp quốc đề ra. Chính phủ Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2030 tối thiểu 33% tổng sản lượng điện sẽ được phát từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam đã được thực hiện thông qua một số đề tài, dự án, trong đó một số đối tác nước ngoài cũng đã tham gia thực hiện. Tuy nhiên, trong các đánh giá trước đây, mức độ chi tiết - độ phân giải của thông tin còn hạn chế, công nghệ sử dụng để đánh giá cũng như các thông tin mới nhất về rủi ro thiên tai trên biển chưa được cập nhật.  

Ông Hoàng Đức Cường nêu rõ: "Ngày 30/6/2023, UNDP tại Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã hỗ trợ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn thực hiện nhiệm vụ  đánh giá chi tiết tiềm năng năng lượng gió ở các vùng biển ven bờ (đến 6 hải lý) và ngoài khơi Việt Nam, đề xuất hỗ trợ dài hạn cho ngành điện. Sau thời gian gần hai năm thực hiện, các đồng nghiệp của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và ngày hôm nay, chúng tôi trân trọng và vui mừng công bố các kết quả chính của Báo cáo Đánh giá tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam”.  

Ông Cường hy vọng các nhà đầu tư, quản lý các công ty khai thác điện gió sử dụng thông tin này cho việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và vận hành khai thác năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.

Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman chia sẻ, báo cáo cung cấp bộ Atlat gió ngoài khơi chi tiết nhất từ trước đến nay với dữ liệu mô phỏng chuỗi thời gian dài tới 30 năm và có độ phân giải cao. Đây là công cụ thiết thực để hỗ trợ quy hoạch không gian biển, phát triển ngành điện gió và thu hút đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa phê duyệt quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể ven biển và quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Theo bà Mette Moglestue, Phó Đại sứ Na uy tại Việt Nam, việc công bố báo cáo có ý nghĩa quan trọng, đây cũng kết quả về sự hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam. Báo cáo trên sẽ có thông tin kỹ thuật giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chính sách điện gió phù hợp. Ngoài ra, dựa trên kinh nghiệm của Na Uy cũng cho thấy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong chia sẻ dữ liệu, thực hiện quy hoạch không gian biển và phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Lễ công bố Báo cáo Đánh giá tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam tập trung vào cung cấp, chia sẻ thông tin chung về thực trạng phát triển năng lượng gió ngoài khơi trên thế giới và tại Việt Nam, kết quả tính toán mật độ năng lượng gió (tiềm năng lý thuyết) và tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió chi tiết cho vùng biển ven bờ (tới 6 hải lý) và ngoài khơi Việt Nam, kèm theo đó là bộ atlat (bản đồ) về gió và tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo cũng cung cấp thông tin về đặc điểm địa hình, địa mạo, thiên tai khí tượng biển, hải văn trên Biển Đông và ven bờ Việt Nam ảnh hưởng tới thi công và thiết kế công trình điện gió ngoài khơi.

Kết quả chính của báo cáo bao gồm: xác định tổng công suất có thể khai thác hàng năm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 1068 GW. Kết quả của này cao hơn so với số liệu của Ngân hàng thế giới (WB) công bố năm 2022 (khoảng 600 GW). Nguyên nhân là do diện tích tính tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi theo vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (tính tới 200 dặm, khoảng 322km) được mở rộng hơn so với phạm vi tính của Ngân hàng thế giới (200km) và phạm vi phân bố tốc độ gió trung bình trên 7 ms -1 (tốc độ gió sử dụng tính tính tiềm năng kỹ thuật) từ kết quả của dự án rộng hơn so với kết quả của Ngân hàng thế giới.

Xác định được tổng công xuất điện gió tại vùng biển nông của Việt Nam (độ sâu từ 0-50m, cho tuốc bin cố định) là 475 GW, vùng biển sâu (50-1000m, cho tuôc bin nổi) là 593 GW. Đánh giá được phân bố tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam theo các tháng và mùa của năm, cho vùng biển nông và sâu: tiềm năng kỹ thuật các tháng mùa đông (tháng 12, 1, 2) cao hơn trên hầu hết các vùng biển nông và biển sâu. Đồng thời đánh giá được phân bố tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam theo các tháng và mùa của năm, cho vùng biển nông và sâu: tiềm năng kỹ thuật các tháng mùa đông (tháng 12, 1, 2) cao hơn trên hầu hết các vùng biển nông và biển sâu.Các tháng mùa xuân (tháng 3, 4, 5) có tiềm năng nhỏ hơn, tháng 5, tiềm năng kỹ thuật giảm hẳn ở vùng biển phía Nam.

Cùng với đó, báo cáo xác định được phân bố và tổng công xuất năng lượng gió vùng biển ven bờ (từ bờ ra 10km) cho các vùng biển: Đồng Bằng Bắc Bộ (0.169 GW), Bắc Trung Bộ (1.345 GW), Trung Trung Bộ (2.244GW), Nam Trung Bộ (25.899 GW) và Nam Bộ (28.372GW). Xây dựng được bộ atlats về tốc độ gió và mật độ năng lượng gió trên toàn phạm vi Biển Đông, cho tháng, mùa, và trung bình năm ở các độ cao 10, 20, 50,100, 150 và 200m phục vụ quy hoạch điện gió.

Tại lễ công bố, các chuyên gia, nhà quản lý trong nước, các đối tác trong và ngoài nước cũng đã thảo luận, chia sẻ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió ngoài khơi của Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục