Rất cần doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu

06:10' - 18/01/2016
BNEWS Việt Nam rất cần có các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện đã, đang và tiếp tục phát triển mạnh mẽ để có được những công nghệ tiên tiến.
Lực lượng doanh nghiệp có sẵn và sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất ở Việt Nam là khiêm tốn. Ảnh minh họa: TTXVN

Chuỗi giá trị toàn cầu có 2 dạng là chuỗi giá trị ngắn và chuỗi giá trị dài. Chuỗi giá trị ngắn thường xảy ra trong ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến thô thông qua khai thác - sơ chế - thương mại - tiêu thụ.

Còn chuỗi giá trị dài thường được chú trọng từ khâu thiết kế, marketing... mới định ra các khâu của chuỗi. Các sản phẩm chế biến sâu, các sản phẩm công nghệ cao... thường áp dụng chuỗi giá trị từ các khâu nghiên cứu phát triển – vệ tinh chế tạo – sản xuất và lắp ráp – marketing – phân phối – tiêu thụ.

Như vậy, nếu Việt Nam muốn trở thành trung tâm công nghiệp của thế giới phải định rõ được lĩnh vực và ngành hàng mũi nhọn cần tham gia là công nghiệp chế biến sâu và các sản phẩm công nghệ (không tập trung vào khai khoáng và sơ chế).

Cùng đó, định rõ khâu tập trung nâng cao năng lực doanh nghiệp là nâng cao năng lực chế biến, chế tạo trong cung ứng hàng hoá và dịch vụ.

Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, Việt Nam đang quá lạm dụng tài nguyên trong phát triển kinh tế. Nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều tham gia vào việc khai thác khoáng sản, tài nguyên... xuất khẩu.

Trong khi đó, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam chia theo các ngành hàng cho thấy phần lớn doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ vì dễ có thu nhập, chiếm khoảng hơn 68%.

Vì vậy, lực lượng doanh nghiệp có sẵn và sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực chế biến, chế tạo và sản xuất ở Việt Nam là khiêm tốn. Đơn cử như đối với sản phẩm công nghiệp ô tô, tính đến năm 2014, cao nhất là tỷ lệ nội địa hoá của Toyota mới đạt 7%.

Có tới 67% doanh nghiệp Việt Nam luôn có nguyện vọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong khâu chế biến, chế tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng theo khảo sát về năng lực tham gia đối với khâu chế tạo của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy: 30% doanh nghiệp trả lời là khó tiếp cận với các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài và tham gia chuỗi giá trị của họ; 70% doanh nghiệp cho biết là rất ít cơ hội tiếp cận đơn hàng gia công và 100% doanh nghiệp khẳng định yêu cầu về đơn hàng quá khắt khe so với năng lực cung ứng.

Vì vậy, có tới 67% doanh nghiệp luôn có nguyện vọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong khâu chế biến, chế tạo.

Có thể nhận thấy, 3 cản trở lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất này bao gồm: vốn, trình độ nhân sự và công nghệ. Các cản trở này là nguyên nhân cơ bản và cũng là đặc trưng cố hữu của các doanh nghiệp trong hội nhập.

Vì vậy, trước hết cần khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn có vốn tự có rất nhỏ, năng lực tài chính yếu kém nên khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Do đó, nhà nước và các tổ chức nên có gói tín dụng cho chương trình doanh nghiệp tham gia chế biến, chế tạo sâu..., dành vốn thích đáng cho các doanh nghiệp này và xác định ngành chế biến và chế tạo là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Đồng thời, nâng cao trình độ lập và thẩm định phương án cho vay, kể cả là cho vay mạo hiểm khi áp dụng công nghệ mới, sáng kiến mới.

Đối với nhân tố công nghệ, các doanh nghiệp Việt Nam có chỉ số cạnh tranh thấp là do chỉ số xếp hạng công nghệ rất thấp so với các nước khác trong khu vực. Các sản phẩm làm ra chủ yếu đạt mức độ công nghệ trung bình và thấp, chiếm hơn 83%. Chi phí đầu vào quá cao so với nhà cung cấp cạnh tranh khác trong khu vực, nên khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ở khâu sản xuất và chế tạo.

Vì thế, doanh nghiệp cần tăng cường đổi mới công nghệ mang tính chuyên sâu, tránh đầu tư tràn lan, khép kín thiếu chuyên nghiệp; Phải đầu tư nhỏ phân kỳ, giảm chi phí khấu hao theo thời gian, tránh dồn vào một thời điểm nhất định sẽ hạn chế năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Công nghệ đầu tư sau thường cập nhật và tiên tiến hơn công nghệ cũ. Nên chia nhỏ dây chuyền để đầu tư sẽ có điều kiện tiếp cận công nghệ mới hơn là đầu tư lớn một lần.

Xét về năng suất lao động, Việt Nam cao gấp 2 lần Lào nhưng kém Singapore khoảng 15 lần, kém Malaysia 6 lần... Ảnh minh họa: TTXVN

Điểm yếu kém thứ ba là chất lượng nhân lực quá thấp. Theo thống kê cho thấy, trong cơ cấu nguồn lao động của Việt Nam thì phần lớn là lao động phổ thông không qua đào tạo chiếm 81% lực lượng lao động; đại học và trên đại học chỉ chiếm khoảng 6,4%.

Vì vậy, nếu xét về năng suất lao động, Việt Nam cao gấp 2 lần Lào nhưng kém Singapore khoảng 15 lần, kém Malaysia 6 lần...

Do đó, để phát triển nhân lực, Việt Nam cần chú trọng tăng cường đào tạo gắn với kỹ năng thực hành, đặc biệt là đào tạo nghề kỹ thuật viên sản xuất, quản lý dây chuyền sản xuất...

Các lao động nghề và kỹ thuật là trọng tâm và phải chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lao động thì mới hy vọng Việt Nam trở thành trung tâm chế tạo của thế giới.

Kinh nghiệm của Trung Quốc là khuyến khích các lao động có đào tạo như kỹ sư, cử nhân vào lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài nhằm học hỏi công nghệ và kỹ thuật sản xuất, nắm bắt yêu cầu kỹ thuật cơ bản của nhà đầu tư nước ngoài sau này thành lập các nhà máy vệ tinh cung cấp linh kiện cho các nhà đầu tư đó. Chúng ta không thể chờ đợi đơn hàng từ các nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư sản xuất.

Cuối cùng, có thể tạo động lực bằng các cơ chế cho vay vốn sản xuất và cung cấp linh kiện cho các lao động hết thời gian làm việc cho các nhà đầu tư nước ngoài, lấy đó làm trọng tâm vốn con người kết nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Với những giải pháp đó, Việt Nam tất yếu sẽ phát triển các ngành chế biến và chế tạo sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành trung tâm chế tạo./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục