Liên minh doanh nghiệp để chống đỡ "cơn bão" hội nhập

09:37' - 17/12/2015
BNEWS Trong "cơn bão" đến từ hội nhập, doanh nghiệp cần liên kết tổng hợp sức mạnh để tạo thành các liên minh doanh nghiệp trong từng ngành hàng, từng lĩnh vực.

Doanh nghiệp Việt đang nhỏ dần đi

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 hầu hết các ý kiến cho rằng, so với yêu cầu phát triển, đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam hiện chưa đông và chưa mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2015 với chủ đề “Nâng cao Năng lực Cạnh tranh của Doanh nghiệp để Hội nhập Quốc tế”.  Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo thống kê, bình quân ở Việt Nam cứ 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, cứ từ 15-20 người dân là có 1 doanh nghiệp.

Có khoảng từ 96-97% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trong khi khu vực này giữ vai trò động lực và có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Báo cáo thuế của Bộ Tài chính công bố mới đây cũng cho thấy, đến 68% doanh nghiệp thông báo lỗ, kinh doanh không hiệu quả.

Đáng quan ngại hơn là theo những đánh giá từ phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp có quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Vì thế có xu hướng là các doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi.

Với tình hình như vậy, nên các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu, vẫn chưa bắt tay hợp tác được với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chưa nói tới cạnh tranh với những doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế.

Với sự yếu kém này, khu vực kinh tế tư nhân chỉ tham gia được vào công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp, chi phí lao động giá rẻ và đương nhiên khó tránh nguy cơ thua cuộc ngay trên sân nhà và thậm chí “trắng tay” ngay trên thị trường nội địa.

Từ góc độ địa phương, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phân tích, xét về những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế từ kim ngạch xuất nhập khẩu thì lâu nay, thành tích của các doanh nghiệp FDI đang che mờ những khiếm khuyết của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Vài năm qua, FDI vào địa phương tăng rất mạnh, nên xuất khẩu của FDI chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tp. Hồ Chí Minh khi có các tập đoàn như Intel, Samsung… gia nhập vào thị trường Việt Nam.

Cấp thiết hình thành liên minh doanh nghiệp

Các doanh nghiệp trong nước cần liên kết với cả doanh nghiệp FDI để tạo các liên minh doanh nghiệp chống đỡ "cơn bão" hội nhập. Ảnh: Phương Vy – TTXVN

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã tới lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, gồm cả các doanh nghiệp FDI cần sát lại bên nhau để tạo thành những liên minh doanh nghiệp.

Theo lý giải của người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp, hình thành các liên minh doanh nghiệp là việc làm cần thiết, giúp thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp FDI.

Khi liên minh doanh nghiệp được hình thành, Chính phủ cũng có thể đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo chuỗi sản phẩm, chuỗi ngành hàng thay vì những chính sách đơn lẻ như hiện nay để tiếp sức cho các doanh nghiệp trong những nỗ lực liên kết.

Điều đó sẽ thôi thúc các doanh nghiệp trong nước nếu muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ thì cần phải nỗ lực đổi mới, tái cơ cấu để được tham gia nhiều hơn, mạnh mẽ hơn vào các liên minh doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh.    

Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, sự đóng góp chủ yếu của phía Việt Nam trong các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp FDI hay trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới chỉ dừng lại ở mức lao động tay nghề thấp.

Chính vì thế, các hội viên của Amcham đang phối hợp với VCCI trong việc tìm kiếm đối tác là doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện và năng lực sản xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi các nhà cung ứng trong thời gian tới.

Cánh cửa hội nhập đã rộng mở và để doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trước những thách thức hội nhập là điều rất khó khăn, song không phải là điều không thể, nếu ngay từ đầu, ngay từ lúc này biết xác định đúng thực chất thể trạng của chính mình.

Các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều cần hợp sức để kiến tạo những liên minh doanh nghiệp, thay vì cạnh tranh đối đầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục