Tận dụng tối đa cơ hội đến từ EVFTA

17:48' - 01/06/2016
BNEWS Việc EU và Việt Nam kết thúc đàm phán EVFTA là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ kinh tế, lộ trình tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư của hai bên.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương đạt trên 41,2 tỷ USD. Tính đến hết năm 2015, các nhà đầu tư EU đã đầu tư 1.809 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 23,16 tỷ USD.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - EU đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến tiếp tục được tăng cường với việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán EU trong nhân buổi gặp gỡ báo chí tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 1/6.

Ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn đàm phán EU trong EVFTA. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ mục đích của chuyến công tác của đoàn đàm phán EVFTA của EU sang Việt Nam lần này?

Ông Mauro Petriccione: Mục tiêu của chuyến công tác lần này là nhằm nâng cao nhận thức về các lợi ích và cơ hội của FTA vừa kết thúc quá trình đàm phán giữa EU và Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp thông tin về EVFTA, đoàn đàm phán EVFTA của EU sẽ trình bày về cách thức tận dụng tối đa những cơ hội đến từ FTA này.

Song song với các hoạt động trên, các nhóm chuyên gia pháp lý EU và Việt Nam sẽ tiến hành rà soát nội dung văn kiện Hiệp định đã được hoàn tất đàm phán để kiểm tra tính thống nhất và đảm bảo tất cả các điều khoản được xây dựng một cách chuẩn mực về pháp lý.

Phóng viên: Từ góc nhìn của đoàn đàm phán EVFTA của EU, ông đánh giá thế nào về tác động của Hiệp định này?

Ông Mauro Petriccione: Việc EU và Việt Nam kết thúc đàm phán EVFTA là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ kinh tế, lộ trình tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư của hai bên.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Đặc biệt, trong cơ cấu xuất nhập khẩu của hai bên mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh, đối đầu trực tiếp, nên mở ra cơ hội tiếp cận thị trường lẫn nhau cho cộng đồng doanh nghiệp EU và Việt Nam.

Phóng viên: Theo ông, sự khác biệt của EVFTA với một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang tham gia, mà điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Ông Mauro Petriccione: EVFTA với một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia, mà điển hình là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có sự khác biệt nhất định, nhưng không có sự mâu thuẫn đáng kể.

Cụ thể, EVFTA có những quy định cởi mở hơn Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) ở một số lĩnh vực như mua sắm công, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo nền kinh tế thị trường...

Việt Nam muốn mở cửa thị trường thương mại tự do, cần có kế hoạch cải cách cơ chế chính sách và tái cấu trúc nền kinh tế. Vì vậy, thông qua các FTA, Việt Nam tận dụng được cơ hội chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức và tạo ra khuôn khổ định hướng quá trình cải cách hiệu quả hơn.

Phóng viên: Ông có thể cho biết chính sách thương mại của EU đối với khu vực ASEAN và Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Mauro Petriccione: EU đang thâm hụt cán cân thương mại với các nước, do đó EU đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu ra thị trường toàn cầu.

Khu vực ASEAN là điểm đến hấp dẫn đối với chuỗi cung ứng của EU, nhưng việc đàm phán một FTA giữa EU và ASEAN không thành công. Do đó, EU phải thực hiện chiến lược đàm phán FTA song phương với từng quốc gia thành viên của khu vực ASEAN.

Sau Singapore, Việt Nam, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục triển khai đàm phán FTA song phương với một số nước khác trong khu vực ASEAN như Philippines, Malaysia.../.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục