Pháp luật về đầu tư của Việt Nam chưa tương thích theo Hiệp định EVFTA

13:22' - 16/03/2016
BNEWS Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI): Nhiều vấn đề trong cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài thuộc EVFTA lại chưa tương thích với một số thể chế ở Việt Nam.
Nhiều quy định pháp luật về đầu tư của Việt Nam hiện chưa tương thích với các cam kết quốc tế, đặc biệt là Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN

Ngày 16/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức hội thảo "Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA): Kết quả rà soát và đề xuất điều chỉnh từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp".

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh, hoàn thiện và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư là yêu cầu nội tại và tự thân của mỗi nền kinh tế và Việt Nam không là ngoại lệ.

Tuy nhiên, việc tham gia EVFTA nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung đặt ra vấn đề quan trọng là cần phải bảo vệ doanh nghiệp, không chỉ với các nhà đầu tư nội địa mà kể cả các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó tạo dựng và xác lập thể chế cùng các quy định pháp lý hiệu quả để điều hành và cung cấp những điều kiện đầu tư-kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với EVFTA cần có sự tương tác về nội dung, quy định giữa pháp luật Việt Nam và EVFTA. Sự chuẩn bị tốt, toàn diện sẽ là điều kiện nền tảng để thực thi Hiệp định và thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, cũng như kích thích hoạt động giao thương hai chiều.

Theo VCCI, Chương Đầu tư trong EVFTA gồm 60 trang và 3 phần gồm: tự do hóa đầu tư; bảo hộ Đầu tư; cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài (ISDS). Ngoài ra, còn có phụ lục gồm 66 trang.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS

Mục tiêu rà soát cụ thể gồm: So sánh chi tiết từng nghĩa vụ, cam kết trong Hiệp định với pháp luật Việt Nam; Đánh giá yêu cầu của EVFTA và nhu cầu tự thân của Việt Nam; Đề xuất sửa đổi quy định để thực thi EVFTA từ góc độ quan điểm và lợi ích của doanh nghiệp.

Cũng theo nhận định của bà Trang, nhìn chung, pháp luật Việt Nam cơ bản tương thích với cam kết trong EVFTA. Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và Nhà đầu tư nước ngoài thuộc EVFTA lại chưa tương thích với một số thể chế ở Việt Nam. Chẳng hạn như nhà đầu tư EU tại Việt Nam được quyền kiện các cơ quan nhà nước liên quan tới hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU.

Lý do là các cơ quan này có thể vi phạm các cam kết tại Mục Bảo hộ Đầu tư của EVFTA; hoặc các cam kết tại một số khoản liên quan tới nguyên tắc đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc; gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, trọng tài Việt Nam theo pháp luật Việt Nam hiện hành cũng không có cơ hội để xử lý các vụ việc ISDS. Đơn cử, luật của Việt Nam chưa tuân thủ cam kết của EVFTA liên quan đến yêu cầu trưng mua trưng dụng và phải bồi thường, bồi thường chậm phải trả lãi. Việt Nam chưa có quy định trả lãi, hay trưng mua, trưng dụng.

Tại Hội thảo, để trả lời cho câu hỏi của ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài Quốc tế Việt Nam về vấn đề gần 30 năm nay việc chuyển giao công nghệ ở các dự án FDI cho đối tác Việt Nam chưa như mong muốn, bà Cao Thị Hồng Vinh, Giảng viên Đại học Ngoại thương cho rằng, có hai góc độ giải thích cho thực trạng này.

Đó là, nhà đầu tư không muốn chuyển giao vì việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thấp, vi phạm bản quyền cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, năng lực kém nên không hấp thụ được công nghệ của doanh nghiệp FDI.

Với những nội dung chưa tương thích, đại diện nhóm nghiên cứu VCCI, bà Trang kiến nghị Quốc hội cần xây dựng luật riêng về thực thi mục đầu tư trong Hiệp định thay vì rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật về đầu tư hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục