Tăng xuất khẩu các mặt hàng phù hợp xu hướng của thị trường

14:23' - 31/12/2015
BNEWS Mục tiêu xuất khẩu năm 2016 sẽ đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015 và kiểm soát nhập siêu dưới mức 5%.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của ngành Công Thương.

Năm 2016, ngành Công thương sẽ tăng xuất khẩu các mặt hàng phù hợp xu hướng của thị trường. Ảnh: TTXVN.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và cao, phù hợp với xu hướng của thị trường xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam hiện đang có lợi thế.

Đồng thời, tập trung phát triển và khai thác cả các thị trường truyền thống và tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.

Đối với nhập khẩu, Bộ sẽ ưu tiên nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn; hạn chế nhập các hàng hóa trong nước đã sản xuất, hàng xa xỉ. Ngoài ra, tiếp tục kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, các hàng hóa trong nước đã sản xuất được.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, nhập siêu năm 2015 đã được kiểm soát tốt. Cả năm 2015, nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, tương đương 12,2 tỷ USD.

Đây là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu tăng trưởng.

Nhóm hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 165, 6 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2014, tương đương với 17,8 tỷ USD.

Nhập khẩu hàng hoá phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất, cơ cấu hàng hoá nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm (đặc biệt là sự giảm giá của dầu thô) đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước, điều này cho thấy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu…

Điểm qua về chỉ số sản xuất công nghiệp, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của các năm gần đây, tăng 2 điểm % so với kế hoạch (7,8%).

Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục