Tập trung thanh tra xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất

10:24' - 20/03/2018
BNEWS Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thanh tra lĩnh vực quản lý đất đai tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Tập trung thanh tra xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất. Ảnh minh họa: TTXVN

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1675 ngày 29/8/2016, trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thanh tra trên lĩnh vực quản lý đất đai tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, giảm số lượng đoàn, hạn chế chồng chéo để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo thanh tra đến đâu phải có kết luận đến đó.

Nhiều tồn tại trong quản lý

Tại Hội nghị tập huấn và triển khai công tác thanh tra năm 2018 của ngành Tài nguyên và Môi trường được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17/3 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, thực hiện Kế hoạch 07 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai đến năm 2020, năm 2017 Tổng cục đã ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện thanh tra tập trung vào các nội dung thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai các cấp, trọng tâm là các thủ tục về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (kể cả thông qua đấu giá); đăng ký lần đầu và biến động sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục từ ngày 1/7/2014 đến thời điểm thanh tra.

Theo đó, Tổng cục đã thanh tra các nội dung nêu trên tại các tỉnh, thành phố là Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Khánh Hòa, Gia Lai và Phú Thọ. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều tồn tại trong quản lý ở một số địa phương, việc sử dụng đất, đặc biệt là việc chấp hành thực hiện thủ tục hành chính còn chưa đúng quy định.

Cụ thể là thời gian thực hiện nhiều thủ tục còn chậm, kéo dài quá thời gian quy định. Một số thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê, chuyển mục đích đấu giá đất bị chia thành nhiều thủ tục và người sử dụng đất phải nhiều lần nộp hồ sơ.

Đặc biệt, một số việc thực hiện không cần thiết, làm phức tạp thủ tục như hồ sơ thủ tục phải nộp còn có nhiều giấy tờ sai quy định, như giấy cam kết chưa được cấp giấy chứng nhận, giấy cam kết chuyển nhượng đất, cam kết việc sử dụng đất đúng hiện trạng, xác nhận tình trạng hôn nhân, cam kết tài sản riêng; bản khai quan hệ nhân thân, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu…

Mặt khác cơ quan thuế yêu cầu chuyển quá nhiều giấy tờ ngoài quy định để xác định nghĩa vụ tài chính phục vụ việc ban hành quyết định cấp Giấy chứng nhận. Một số thủ tục công việc không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, có quá nhiều tờ trình đề nghị cấp giấy chứng nhận tại UBND cấp xã, Văn phòng Đăng ký đất đai và Phòng Tài nguyên và Môi trường.

UBND cấp xã vẫn thẩm tra hồ sơ, xác định trên thực địa và đề nghị cấp giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký biến động; Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận việc thu hồi trên trang 3, 4 của giấy chứng nhận.

Chưa kể một số việc không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định như đơn đăng ký cấp giấy chứng nhận không đúng mẫu, không ghi đủ nội dung; khi xác nhận hồ sơ không ghi vào sổ theo dõi, không ghi ngày ký xác nhận đã kiểm tra vào đơn; các xã tiếp nhận và giải quyết xong không trực tiếp chuyển lên huyện theo cơ chế một cửa liên thông mà trả lại hồ sơ cho người dân đi nộp; thủ tục đính chính hoặc cấp đổi giấy chứng nhận nhưng làm tờ trình với nội dung cấp mới; bản sao giấy chứng nhận để lưu không sao y bản chính theo quy định.

Giấy chứng nhận thu hồi để lưu không xác nhận lý do thu hồi. UBND cấp xã cho thuê đất công ích mà không thực hiện việc đấu giá đất, không cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính…

Tập trung vào những vấn đề nổi cộm

Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh cho rằng, việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố đã bám sát định hướng của ngành và Thanh tra Chính phủ. Nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã tập trung vào những vấn đề nội cộm về quản lý và sử dụng đất đai, hạn chế việc chồng chéo giữa Bộ và địa phương.

Nhờ đó, trong năm 2017 ngành Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành 528 cuộc thanh tra về đất đai đối với 1.546 tổ chức, cá nhân, tăng 152 cuộc và 313 tổ chức, cá nhân so với năm 2016. Qua đó phát hiện 30% số đối tượng được thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về đất đai, tăng 12% so với năm 2016.

Các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung sử dụng đất không đúng mục đích (chiếm 26%), không sử dụng hoặc tiến độ thực hiện chậm so với tiến độ ghi trong dự án được duyệt (chiếm 30%), lấn chiếm đất (chiếm 11%), chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính (chiếm 3%), cho thuê lại hoặc chuyển quyền sử dụng đất trái phép (chiếm 12%), chưa thực hiện thủ tuch hành chính (chiếm 9%)…

Căn cứ kết quả thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm hành chính 99 tổ chức, cá nhân với số tiển 3 tỷ 901 triệu đồng; kiến nghị truy thu 9 tỷ 003 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 3.499ha đất, 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Về công tác quản lý nhà nước, việc lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn chậm, thực hiện các cấc chỉ tiêu sử dụng đất cao hơn và không đúng chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt.

Việc giao đất, cho thuê đất khồng phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Vẫn còn tình trạng xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, hạn mức đất ở, nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót dẫn đến thất thoát cho ngân sách nhà nước, hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công dân.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra

Theo nhận xét của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Quốc Trung: Tuy công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương đã được tăng cường, nhưng việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra mới chỉ đạt 5% tổng số kết luận thanh tra đã được ban hành, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân sau thanh tra, kiểm tra chậm hoặc không thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra.

Nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai nói riêng và tài nguyên và môi trường nói chung chưa đáp ứng được với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh. Vẫn còn một số nhiệm vụ đã kết thúc việc thanh tra, kiểm tra, thẩm tra, xác minh nhưng chậm ban hành kết luận thanh tra và văn bản giải quyết…

Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường cũng như hệ thống pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại và tố cáo; xây dựng cơ chế đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại kéo dài, hết thẩm quyền, đúng quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương chủ động và linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp con người và nguồn lực cho công tác thanh tra về đất đai tương xứng với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh và yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng với những thay đổi của chính sách và tiêu chuẩn của cán bộ làm công tác thanh tra.

Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các địa phương với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách và pháp luật về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn ở địa phương.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để tránh chồng chéo với các luật khác. Bên cạnh đó nên có quy định cụ thể về trình tự thủ tục của việc kiểm tra để xác định đối tượng sử dụng đất có hành vi vi phạm. Cũng như ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa Văn phòng quản lý đất đai với cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, trong việc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bổ sung quy định về xử phạt hành chính vào Nghị định số 102/2014 ngày 10/11/2014 của Chính phủ, đối với hành vi hủy hoại đất; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang nuôi trồng thủy sản; tự ý góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất được Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm…/.

>>> Phối hợp thanh tra trong quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất tại Hà Nội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục