Thách thức của ngành giao thông trong kỷ nguyên 4.0

15:20' - 16/12/2017
BNEWS Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thành tựu công nghệ mới được dự báo có ảnh hưởng sâu sắc tới ngành giao thông vận tải.

Vì vậy, nếu không có sự thay đổi, ngành giao thông vận tải sẽ có nguy cơ bị tụt lại phía sau.

Thách thức đặt ra

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, con người đang sống trong thời đại biến đổi công nghệ chưa từng xảy ra trước kia với những đột phá như trí tuệ nhân tạo, rô bốt cao cấp, công nghệ nano, vật liệu tiên tiến, năng lượng tái tạo, công nghệ xe tự lái….

Có thể nhận thấy những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm biến đổi sâu sắc nhận thức, cấu trúc và vận hành của ngành giao thông vận tải.

Những tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 theo dự báo được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (công bố tháng 9/2015), đến năm 2025 sẽ có 21 điểm “bùng nổ” đó là những biến đổi công nghệ cụ thể sẽ định hình thế giới kỹ thuật số và siêu kết nối tương lai.

Trong đó có thể kể đến các thay đổi mạnh mẽ liên quan đến ngành giao thông vận tải như: khả năng 84,1% chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D; 79% khả năng sẽ có 10% tổng lượng xe hơi lưu thông trên toàn cầu là xe không người lái, 67% các chuyến đi du lịch/công tác trên toàn cầu thực hiện thông qua việc chia sẻ phương tiện nhiều hơn (mô hình Uber, Grab…) so với dùng xe riêng.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, công nghệ vật liệu mới tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong xây dựng và kiến trúc. Đó là bê tông tự khôi phục, vật liệu nano, pin năng lượng mặt trời, vật liệu xanh… cũng sẽ tác động không nhỏ đến ngành giao thông vận tải. Như vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến với Việt Nam hằng ngày, hằng giờ bởi đây là xu thế kết nối của toàn cầu. Việt Nam không thể đứng im, mà “nếu có đứng im cũng sẽ bị xô ngã”.

Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải), ngành giao thông vận tải Việt Nam hiện nay có đầy đủ biểu hiện của cả cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, 3 và lần 4.

Cụ thể như, bước đầu ngành đã hình thành hệ thống đường bộ cao tốc, áp dụng công nghệ thông tin, kết nối internet trong cung cấp các dịch vụ vận tải (đặt vé, check-in vé tàu, vé máy bay, thu phí tự động).

Trạm Hoàng Mai trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An trong ngày đầu khai trương 2 làn thu phí không dừng hôm 11/10. Ảnh: VETC

Sự xuất hiện các dịch vụ vận tải trên nền tảng internet như taxi Uber, grab; cung cấp các dịch vụ công qua internet (cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới…) và đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng này.

“Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực và chưa có mô hình tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin nên các ứng dụng mới được phát triển trong phạm vi hẹp, vì thế mới đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ ở phạm vi toàn ngành giao thông vận tải…”, ông Hà cho hay.

Cũng theo ông Trần Quang Hà, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể giúp tiết kiệm được sức lao động thông qua công nghệ. Nhưng đối với ngành giao thông vận tải ở Việt Nam thì hậu quả của cuộc cách mạng này có thể gây ảnh hưởng đến người lao động do mất đi các cơ hội việc làm của nguồn nhân công giá rẻ, phương thức sản xuất thay đổi như Uber, Grab đã tham gia thị trường vận tải của taxi truyền thống….

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tô Đình Dũng, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) chia sẻ, lĩnh vực hàng không sẽ chịu nhiều thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0. Có thể kể ra các thách thức như an ninh thông tin, yêu cầu đảm bảo sự đồng bộ của các quá trình sản xuất…

Ông Dũng đưa ra ví dụ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động nhiều đến lĩnh vực vận tải hàng không từ các mô hình dịch vụ và kinh doanh, sự an toàn của tàu bay, thiết bị mặt đất hay như chuỗi giá trị (hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý không lưu…).

Không thể đứng im

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Việt Nam không thể đứng một chỗ được nữa. Ra biển mà không biết "nhảy sóng" thì sẽ bị xô ngã. Giao thông là phần vô cùng quan trọng của cuộc cách mạng trong nền kinh tế nên giao thông phải di chuyển, không thể đứng im.

Theo các chuyên gia công nghệ, chỉ riêng ngành giao thông vận tải, các dịch vụ công thông minh được tự động hóa toàn diện đang diễn ra tại tất cả các lĩnh vực đường thủy, đường bộ, đường sắt và hàng không để phục vụ người dân. Tất cả các yếu tố “tự động hóa” thông minh phục vụ phát triển giao thông vận tải này đều là khởi điểm của kỷ nguyên 4.0.

Taxi Mai Linh tìm đến giải pháp công nghệ để thu hút hành khách. Ảnh: Trần Tình/TTXVN

Do đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, không còn cách nào khác, giao thông vận tải phải đi trước đón đầu phát triển ngành trên nền tảng công nghiệp 4.0, đây có thể là ưu tiên hàng đầu để thoát khỏi “trì trệ” từ các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó.

Chia sẻ về cơ hội khi thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho hay, với nền tảng công nghệ số, thông tin về hàng hóa, tuyến vận chuyển, giá cước, thời tiết, giá nhiên liệu… sẽ được cập nhật liên tục, tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp cận và có quyết định kịp thời cho kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.

Ngoài ra, vận tải hàng hóa trên biển có thể được cơ cấu theo hướng tự động điều khiển từ xa theo cung hành trình đại dương được thiết lập sẵn.

Còn về khó khăn, đại diện Vinalines cho biết, với cách mạng công nghiệp 4.0, khi toàn bộ nguồn thông tin được số hóa và minh bạch sẽ gây khó khăn khi cạnh tranh các đơn hàng lớn.

Bởi các tàu biển của Việt Nam nói chung và Vinalines nói riêng đều thuộc thế hệ tàu cũ, công nghệ lạc hậu, chi phí bảo quản, bảo dưỡng lớn. Mặt khác, hệ thống kiểm soát của dịch vụ hàng hải cần có nguồn đầu tư lớn, nhân lực vận hành phải có chất lượng và am hiểu về công nghệ….

“Do đó, để sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0, Vinalines đã nâng cấp toàn bộ hạ tầng cơ sở phần cứng, thay thế thiết bị đã xuống cấp. Mặt khác, Vinalines sẽ vận dụng tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống công nghệ hiện đại để đảm bảo tính cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng hải…”, đại diện Vinalines cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước mắt, ngành giao thông vận tải sẽ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; giải quyết căn bản tình trạng mất cân đối thị trường vận tải giữa các phương thức vận tải.

"Quan trọng nhất là ngành giao thông vận tải sẽ xây dựng “chiến lược số hóa”, ứng dụng quản trị thông minh, từng bước triển khai tự động hóa toàn diện trong mọi lĩnh vực giao thông để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời phát huy nội lực, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực. Đây chính là cốt lõi đột phá của công nghệ 4.0 và là thách thức cần giải quyết của ngành giao thông vận tải", Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Thời gian tới, về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Đông cho biết chắc chắn sẽ có những rà soát, cập nhật để xây dựng, bổ sung, sửa đổi các quy định phục vụ cho quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế.

Vấn đề quan trọng nhất được Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề cập đó là việc chuẩn bị nguồn nhân lực, yêu cầu cấp thiết là cần có sự chuẩn bị, định hướng việc đào tạo các kỹ năng, cập nhật các kiến thức và làm việc theo hệ thống.

>>>Taxi Mai Linh tìm đến giải pháp công nghệ để “lột xác”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục