Thái Lan: Ổn định kinh tế đối lập với tương lai bấp bênh của chính trị

06:30' - 16/03/2018
BNEWS Tạp chí The Diplomat vừa đăng bài viết nhận định về mối liên quan giữa tình hình ổn định của nền kinh tế Thái Lan và tương lai bấp bênh của chính quyền quân sự ở nước này.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: AFP/TTXVN.

Mặc dù việc Thái Lan trở lại với nền dân chủ kể từ khi quân đội giành lại quyền lực hồi tháng 5/2014 chưa có dấu hiệu sẽ sớm thành hiện thực, song những chỉ số gần đây cho thấy nền kinh tế của đất nước này đang có dấu hiệu cải thiện. 

Tuy số liệu mới nhất được công bố đã thừa nhận vẫn còn ở dưới mức kỳ vọng, nhưng chi tiêu của chính phủ đã giảm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2017 tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016 và triển vọng năm 2018 dường như khá sáng sủa. Đó là kết quả tốt nhất trong 5 năm qua, với tăng trưởng GDP được điều chỉnh theo lạm phát ở mức 3,9% trong năm 2017 so với mức 3,3% trong năm 2016.

Điều đó sẽ làm hài lòng Thủ tướng Thái Lan, trong khi chính phủ quân sự của ông đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc điều hành nền kinh tế kể từ khi họ lên nắm quyền sau cuộc đảo chính cũng như việc liên tục trì hoãn các cuộc bầu cử đã hứa và sự trở lại nền dân chủ.

Theo Văn phòng của Hội đồng Phát triển kinh tế và Xã hội (NESDB), phần lớn sự tăng trưởng này là từ các ngành du lịch và chế tạo. Sản lượng chế tạo tăng 3% trong quý IV/2017 nhờ xuất khẩu nhiều hơn, trong khi khu vực phi nông nghiệp tăng 4,6%, số du khách tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tiêu dùng cùng với đầu tư tư nhân đã tụt lại phía sau - điều mà các nhà phân tích cho rằng là do tình trạng sản xuất dư thừa trong công nghiệp và gia tăng nợ gia đình.

Góp phần vào mức tăng GDP là kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đã vượt trên các dự báo và đạt được kết quả tốt nhất trong vòng 5 năm, nhờ nhu cầu toàn cầu về ô tô, máy tính và các sản phẩm cao su. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu trong quý IV/2017 tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đạt mức tăng 8,6% trong tháng 12/2017.

Nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ duy trì các đà đi lên hiện tại trong suốt năm 2018 và chính phủ nâng mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu lên 6,8% trong năm nay từ mức 5% trong năm 2017. Thống đốc Ngân hàng Thái Lan Veerathai Santiprabhob nói trong một cuộc hội thảo kinh doanh rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Thái Lan vẫn mạnh và có khả năng chịu được sự biến động của các dòng vốn. 

Ông nói: "Nền kinh tế Thái Lan mạnh mẽ và có thể chịu được sự biến động toàn cầu ở một mức độ nào đó. Chúng tôi có nợ nước ngoài thấp, thanh khoản ngoại tệ rất tốt, dự trữ ngoại tệ cao và hệ thống ngân hàng mạnh".

Những chỉ số này về lý thuyết sẽ khuyến khích Tướng Prayut bắt đầu quá trình chuyển đổi đất nước trở lại chế độ dân chủ thông qua một cuộc bầu cử toàn quốc mà ông đã hứa từ khi lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, người bị kết tội lạm dụng quyền lực và phải trốn chạy.

Dù triển vọng kinh tế khả quan hơn nhưng sự chống đối chính quyền quân sự đã và đang gia tăng khi mà các cuộc bầu cử đã bị trì hoãn từ năm 2015 và có thể sẽ kéo dài đến năm 2019.

Tướng Prayut đã cấm các cuộc biểu tình phản đối, nhưng điều đó đã không ngăn được 400 người tập trung ở thủ đô Bangkok hồi đầu tháng này để đòi chính phủ không trì hoãn bầu cữ thêm nữa. Các cuộc biểu tình như vậy làm dấy lên lo ngại ngày càng nhiều về sự đàn áp có thể dẫn đến bạo lực của chính phủ. 

Liệu Tướng Prayut có thực hiện lời hứa mới nhất của ông hay không, điều này rất khó đo lường. Sự ổn định về kinh tế tại Thái Lan không phải là cái cớ để tiếp tục trì hoãn bầu cử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục