Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc chơi của những "ông lớn"

08:13' - 16/12/2015
BNEWS Hệ thống phân phối thương mại của Việt Nam đang có nguy cơ "rơi" vào tay những tập đoàn lớn. Điều này được minh chứng bằng những làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng sôi động.
Khách hàng mua sắm đồ tiêu dùng tại siêu thị Co.op Mart Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Chưa cần đợi đến ngày Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - EU, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực, rất nhiều Tập đoàn bán lẻ trên thế giới đã tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam - một trong 10 thị trường bán lẻ được đánh giá là hấp dẫn nhất châu Á.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây thật sự là thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc tạo thế cân bằng tại một “sân chơi” lớn,  nếu không có chiến lược làm ăn bài bản, dài hạn và liên kết chặt chẽ với nhau.

Nguy cơ bị “thôn tính”

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do quốc tế đã thúc đẩy Việt Nam sớm mở cửa thị trường phân phối, thực hiện tự do hoá lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh.

Một vài năm trở lại đây, thị trường Việt Nam đã xuất hiện thêm nhiều tập đoàn phân phối khổng lồ của nước ngoài, có tiềm lực to lớn, tính chuyên nghiệp cao. Trong khi đó, hệ thống phân phối trong nước  hoạt động còn kém hiệu quả, chi phí cao và thiếu liên kết.

Hệ thống siêu thị Ocean Mart đã được Tập đoàn Vingroup mua lại và chuyển tên thành Vin Mart. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc cạnh tranh không cân sức này, hệ thống phân phối thương mại hiện nay ở Việt Nam đang có nguy cơ "rơi" vào tay những tập đoàn lớn. Điều này được minh chứng bằng những làn sóng mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng sôi động.

Chẳng hạn như việc nhận chuyển nhượng 100% cổ phần từ Công ty cổ phần đầu tư An Phong, Tập đoàn Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới của hệ thống Trung tâm thương mại – siêu thị Maximark. Đây là hệ thống phân phối hiện đại có uy tín tại khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ.

Vingroup cũng mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỷ đồng. Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng.

Bên cạnh đó, Vingroup còn thực hiện thương vụ mua lại 80% cổ phần (tương đương 245 tỷ đồng) công ty Hợp Nhất và đổi tên thành công ty Vinlinks, với mục đích cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.

FiviMart cũng đã trở thành một phần của "ông lớn" Aeon Mall thôn tính. Ảnh: TTXVN

Hay như CityMart và FiviMart hợp tác với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đổi tên thành hệ thống bán lẻ AeonCityMart từ tháng 11/2014. Hàng loạt các trung tâm của tập đoàn này cũng được khai trương như Aeon Tân Phú Celadon (Tp. Hồ Chí Minh), Aeon Bình Dương Canary và Aeon Long Biên (Hà Nội).

Nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Wall Mart - Mỹ; OuChan – Pháp… cũng gia tăng thăm dò thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Cả nước hiện có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi).

Hiện mới chỉ có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam và tỷ trọng tham gia bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài mới chỉ chiếm 3,4% doanh số bán lẻ chung.

Đó là con số không đáng lo ngại nhưng nếu loại trừ các mặt hàng mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa được phép tham gia thì tỉ trọng bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lên đến 40-50% và cuộc chơi sẽ dần chuyển sang tay các "ông lớn" nước ngoài ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục