Thực trạng kinh tế - chính trị Cuba trên con đường hướng tới cải cách (Phần 2)

06:03' - 08/04/2018
BNEWS Cuộc bầu cử lần này được coi là một bước ngoặt đối với đảo quốc Caribe với hy vọng người điều hành đất nước sẽ giúp Cuba thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các luật lệ và hướng tới con đường cải tổ.
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại một điểm bầu cử ở La Habana, Cuba ngày 11/3. Ảnh: THX/TTXVN 

Sự vận động của khối doanh nghiệp tư nhân mới ra đời tại Cuba là một trong những đề tài trọng tâm của cuộc tranh luận chính trị. Vào giữa năm 2017, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng và cũng là ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế Chủ tịch Raúl Castro tại 2 cơ quan này, Miguel Diaz-Canel, đã dành phần lớn thời gian trong một cuộc gặp với giới lãnh đạo trong nước để chỉ trích: “Một số doanh nghiệp tư nhân muốn xây dựng lại hình ảnh lý tưởng của Cuba trước cách mạng”.

Những phát biểu của ông, đã bị rò rỉ và phát tán trên mạng Internet, chính là lời cảnh báo của các biện pháp mà Chính phủ Cuba đã công bố vào tháng 8/2017 nhằm “hoàn thiện hoạt động kinh tế tự doanh” (hay thành phần kinh tế tư nhân), nhưng trên thực tế, chính là ngừng mở rộng loại hình hoạt động bắt đầu chứng tỏ hiệu quả này.

Cho tới tháng 8/2017, Chủ tịch Raúl Castro vẫn đặt cược mọi quân bài của mình vào “các hình thức điều hành phi nhà nước”. Theo phân tích của nhà kinh tế Ricardo Torres trên Tuần báo Tiến bộ, một trong số hiếm hoi những tạp chí nước ngoài được Chính phủ Cuba thừa nhận, kể từ năm 2010 tới nay, khu vực phi nhà nước này (bao gồm cả thành phần tư nhân và các “hợp tác xã phi nông nghiệp”) đã tạo ra tới 72% việc làm mới.

Tuy nhiên, những nhân vật quyền lực khác trong bộ máy chính quyền lại tiếp tục nhìn nhận hình thức điều hành mới này với con mắt nghi ngờ. Tình thế này từng được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chịu trách nhiệm thúc đẩy cải cách Marino Murillo công khai bày tỏ vào hồi giữa tháng 2, nhưng không phải là điều gì mới lạ giữa những nhân vật quyền lực tại Cuba.

Gần như ngay từ khi bắt đầu công cuộc “cập nhật mô hình”, bản thân Chủ tịch Raúl Castro đã buộc phải bày tỏ lập trường bảo vệ những người “tự doanh” khi yêu cầu các quan chức chính phủ phải coi họ “cũng là những người cách mạng như bất kỳ những người lao động khác của chúng ta”. Chính vì thế, nhiều người đã ngạc nhiên khi Chủ tịch lên tiếng chỉ trích những “hành vi quá mức phạm phải” trong tiến trình mở cửa.

Nhà kinh tế Torres tổng kết và đưa ra nhận xét: “Thành phần kinh tế phi nhà nước đã phải đối mặt với một khuôn khổ điều tiết không phù hợp và luôn thay đổi. “Thay vì giới hạn sự phát triển của thành phần này, Cuba cần phải nghĩ cách tận dụng tối đa nguồn nhân lực. Tạo việc làm và cải thiện năng suất luôn đòi hỏi vốn đầu tư, còn nguồn vốn đầu tư thì luôn cần một khuôn khổ an toàn, ổn định”.

Có một điểm trùng hợp là đa phần các học giả Cuba nghiên cứu về đề tài này, như nhà kinh tế uy tín Juan Triana, đều cho rằng nhà nước không nên duy trì trong hạn định trách nhiệm của mình mọi hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ.

Trong một bài báo mới đây, vị giáo sư này của Đại học La Habana viết: “Việc sản xuất những chiếc xúc xích không nên nằm trong những mối quan tâm thường trực của một nhà nước vốn có nhiệm vụ bảo đảm y tế và giáo dục cho toàn thể nhân dân”. Theo quan điểm của ông, các quan chức nên tập trung vào việc đặt ra những quy định phù hợp hơn cho mỗi hoạt động kinh doanh và đảm bảo rằng các quy định này được tuân thủ.

Đây là một trường hợp được tranh cãi công khai. Nhà nghiên cứu xã hội Fernando Luis Rojas cảnh báo về mức độ thiếu được bảo vệ của những người lao động trong thành phần tư nhân (hay “tự doanh”) và sự cần thiết phải có những chính sách công đảm bảo các quyền lợi cho họ. Tới nay, vấn đề này vẫn tiếp tục là một nhiệm vụ dang dở trong chương trình hành động của giới cầm quyền La Habana.

Việc xem xét lại một phần đáng kể các biện pháp đã triển khai và ngừng triển khai một số biện pháp khác đã đặt tương lai của tiến trình “cập nhật mô hình” trước dấu hỏi lớn, đặc biệt trước thực tế rằng “những cải cách mở ra những không gian mới cho các tác nhân mới, những tác nhân sẽ không thể có tư cách đầy đủ nếu không có các quyền và nghĩa vụ được điều tiết hợp lý, mà điều này cần tới sự xem xét lại những diễn giải về “kiểm soát nhân dân” và “xã hội dân sự xã hội chủ nghĩa” được đề cập trong các văn bản về cải cách”, như nhận định của tiến sĩ sử học Ariel Dacal.

Tiến sĩ Dacal, trong một bài viết khác, cũng đã chỉ ra: “Trong bất cứ một mô hình nào, sự đại diện cũng là cần thiết. Sự khác biệt nằm ở chỗ ai là những người được chọn lựa làm đại diện và hệ quả tất yếu là họ đại diện cho những lợi ích nào”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục