Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa làm đối tác châu Âu yên lòng

18:08' - 28/05/2017
BNEWS Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới châu Âu, dự Hội nghị các nhà lãnh đạo NATO, Hội nghị G7... đạt kết quả khả quan so với dự kiến nhưng chưa thể làm các đối tác châu Âu yên lòng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch hội đồng Châu Âu Donald Tusk (trái) trong chuyến thăm trụ sở của EU ở Brussels,Bỉ ngày 25/5/2017. Ảnh: AFP

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới châu Âu, dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), cũng như thăm trụ sở Liên minh châu Âu (EU), đã đạt được kết quả khả quan hơn so với dự kiến, dù những gì nhà lãnh đạo mới của Mỹ thể hiện chưa thể làm các đối tác châu Âu yên lòng.

Có thể thấy cả NATO lẫn EU đều quan tâm đặc biệt tới lần xuất hiện chính thức đầu tiên này của Tổng thống Mỹ tại Brussels bởi ông Donald Trump từng có những phát biểu “gây sốc”, thậm chí thẳng thừng chỉ trích nhằm vào cả các đồng minh NATO lẫn các đối tác châu Âu, khiến người ta lo ngại quan hệ giữa Washington với NATO và EU sẽ chẳng yên ả trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi, kéo theo đó là việc Washington tăng cường bảo hộ thương mại, rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn xem xét lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hay không mấy mặn mà với Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), đang động chạm tới lợi ích hầu hết các đối tác chủ chốt của Mỹ trong G7.

Tiếp đó là quan điểm khác biệt giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với các nước G7 xung quanh vấn đề sự ấm lên toàn cầu và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vốn đươc các nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ.

Bởi vậy, việc ông Trump tới châu Âu trực tiếp gặp lãnh đạo các nước NATO, G7 và thảo luận với các giới chức hàng đầu EU, được xem là cơ hội để các bên cùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm và định hướng cho mối quan hệ trong tương lai.

Sự kiện bất ngờ xảy ra trước các hội nghị trên, vụ đánh bom khủng bố đẫm máu tại thành phố Manchester của Anh, đã phần nào tác động tới nội dung cả hội nghị NATO lẫn G7.

Có vẻ cuộc chiến chống lại mối đe dọa khủng bố đang hiện hữu ở mọi nơi mọi lúc là yếu tố buộc các nước dẹp sang một bên các bất đồng để cùng bắt tay chống kẻ thù chung.

Kết quả cụ thể là NATO nhất trí tham gia toàn diện liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, với tư cách thành viên đặc biệt (không tham gia chiến đấu), hay G7 coi chống chủ nghĩa khủng là ưu tiên hàng đầu và cam kết phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Thực tế trên cũng cho thấy Mỹ và NATO vẫn cần đến nhau trong bối cảnh tình hình an ninh toàn cầu đang ngày càng phức tạp với những nguy cơ khủng bố cực đoan không thể đoán trước.

Cả Mỹ và các đối tác NATO đều đang cân nhắc tới lợi ích của mình để duy trì một quan hệ đối tác cần thiết, bởi mối quan hệ này cũng có tầm quan trọng đặc biệt đối với liên minh quân sự lâu đời nhất hành tinh.

NATO vốn là nền tảng cho an ninh Mỹ trong 60 năm qua, trong khi các lực lượng Mỹ đóng góp chủ chốt trong thành phần lực lượng NATO ở Đông Âu.

Mối ràng buộc trên khiến Tổng thống Mỹ, dù vẫn tận dụng hội nghị này để yêu cầu 27 nước thành viên NATO còn lại tăng chi tiêu quốc phòng và chia sẻ công bằng gánh nặng cho liên minh, song có phần “dịu giọng” hơn trước.

Đáp lại, các nước NATO nhất trí sẽ xây dựng kế hoạch hành động nhằm giúp các nước thành viên đạt được mục tiêu chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng, theo quy định là 2% GDP, mà tới nay chỉ có 5 trong số 28 thành viên đạt được.

Những cam kết đạt được tại hội nghị NATO lần này rõ ràng đều là “có đi có lại” bởi Tổng thống Mỹ từng để ngỏ khả năng Mỹ có thể phải rút quân đội khỏi châu Âu nếu NATO không đóng góp cân xứng cho cuộc chiến chống khủng bố.

Ít ra, việc Tổng thống Donald Trump tham gia cuộc gặp các nhà lãnh đạo NATO lần này là minh chứng rõ rệt rằng Mỹ vẫn coi trọng NATO, khác với đánh giá mà ông chủ Nhà Trắng đưa ra trước đây, coi NATO là tổ chức “già cỗi”, “lỗi thời”, hoạt động không hiệu quả nhưng lại ngốn quá nhiều tiền của Mỹ khi Washington phải gánh đến 72% ngân sách NATO.

Tuy nhiên, các nước thành viên NATO vẫn chưa hết băn khoăn khi tại hội nghị này, Tổng thống Donald Trump không khẳng định cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận bảo vệ lẫn nhau của NATO, theo Điều 5 Hiến chương thành lập liên minh quân sự này.

Trước đây, Tổng thống Mỹ từng khiến các nước NATO bất an khi đề xuất rằng Mỹ chỉ bảo vệ những thành viên liên minh "hoàn thành nghĩa vụ", ám chỉ tới nghĩa vụ đóng góp tài chính.

Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ năm 1949 không đề cập tới Điều 5 trong Hiến chương NATO về cam kết phòng vệ tập thể, đang “phủ bóng đen” lên kế hoạch của NATO xây dựng hình ảnh một tổ chức bền chặt và thống nhất, là trung tâm của an ninh phương Tây.

Những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Sicily, Italy sau đó cũng thể hiện rằng Mỹ và các đối tác trong nhóm vẫn tiếp tục duy trì đối thoại và có thể đạt được thỏa hiệp, nhưng trong tình trạng “bằng mặt mà chưa bằng lòng” và chưa thể khôi phục lại lòng tin.

Tuyên bố chung của hội nghị ghi nhận sự đồng thuận về nhiều vấn đề then chốt ảnh hưởng tới lợi ích thiết thân của các nước G7, như chống khủng bố, cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, trừng phạt Nga…, song việc Mỹ có tiếp tục ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Bất đồng về vấn đề người nhập cư, khi Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 nước Hồi giáo và chỉ trích gay gắt chính sách “mở cửa” của Thủ tướng Đức Angela Merkel, khiến G7 không thể nhất trí để đưa vấn đề này vào tuyên bố chung.

Mặc dù G7 tái cam kết mở cửa thị trường và "chống chủ nghĩa bảo hộ" cũng như các hoạt động thương mại không công bằng, song các đối tác của Mỹ chưa thể bớt quan ngại bởi Tổng thống Donald Trump luôn là người đưa ra những quyết sách theo chủ trương “Chống gây hại cho kinh tế Mỹ”.

Bên cạnh đó, sau 4 tháng Tổng thống Donald Trump cầm quyền, đường hướng đối ngoại của Nhà Trắng vẫn chưa rõ ràng, mọi thay đổi vẫn có thể xảy ra. Những cam kết tại hội nghị G7 không thể giúp thu hẹp được chia rẽ và bất đồng còn tồn tại giữa Mỹ với các nước trong nhóm.

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới châu Âu chưa thể khiến quan hệ đang rạn nứt giữa Mỹ với các đồng minh NATO, EU hay G7 nồng ấm trở lại trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên, những cam kết kiểu “có đi có lại” của các bên cũng một lần nữa cho thấy những lợi ích về an ninh và kinh tế đang trở thành sợi dây níu giữ mối quan hệ truyền thống giữa hai bờ Đại Tây Dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục