Trung Quốc: Không cấp bách phải thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung

07:04' - 20/04/2016
BNEWS Theo các nhà cố vấn chính sách, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng tốc đã cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) chưa phải thực hiện thêm các biện pháp kích thích vào lúc này
Trung Quốc: Không cấp bách phải thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN

Theo các nhà cố vấn chính sách của Trung Quốc, những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang tăng tốc đã cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) chưa phải thực hiện thêm các biện pháp kích thích vào lúc này mà có thể dự phòng trong trường hợp xảy ra các cú sốc trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và khả năng tăng lãi suất tại Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà cố vấn cho rằng vẫn còn quá sớm để nói đến việc kết thúc chu kỳ nới lỏng được bắt đầu vào năm 2014. Một nhà cố vấn chính sách cho rằng vẫn cần nới lỏng chính sách và vẫn có thể cắt giảm lãi suất, nhưng tính cấp bách của một động thái như vậy đã giảm đi.

Kể từ cuối năm 2014,PboC - Ngân hàng trung ương Trung Quốc - đã sáu lần hạ lãi suất và năm lần hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng. Việc giảm RRR sẽ giải phóng tiền mặt mà ngân hàng có thể cho vay. Tuy nhiên, ba nhà kinh tế của chính phủ vẫn cho là PboC sẽ hạ RRR ba hoặc bốn lần trong năm nay và hạ lãi suất ít nhất là một lần.

Các quyết định chính sách trở nên khó khăn hơn do tình hình biến động trên các thị trường tài chính trong năm ngoái và đầu năm nay. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thận trọng trước việc hạ lãi suất quá nhiều lần, nếu sức ép lên đồng nhân dân tệ và dòng vốn chảy ra giảm. PboC có thể sử dụng các công cụ chính sách khác như các chương trình cho vay đặc biệt để đối phó với diễn biến tiêu cực trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo số liệu công bố cuối tuần trước, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống 6,7% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhấp kể từ đầu năm 2009. Nhưng các chỉ số kinh tế tháng Ba tốt hơn dự kiến đã cho thấy nền kinh tế đang có đà lực khi bước vào quý II, một phần nhờ tín dụng mới tăng cao. Sản lượng công nghiệp, xuất khẩu và doanh số bán lẻ đều cao một cách đáng ngạc nhiên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục