Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nông sản thay thế hàng hóa Mỹ

21:12' - 04/07/2018
BNEWS Người dân Trung Quốc thời gian tới đây được cho là sẽ phải thay đổi thói quen tiêu dùng khi Bắc Kinh đã sẵn sàng cho kế hoạch áp đặt mức thuế 25% với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Các căng thẳng thương mại không có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ bùng phát thành một cuộc chiến thương mại khi Washington tuyên bố từ 6/7 sẽ thực hiện áp thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị 34 tỷ USD và Bắc Kinh được cho là sẽ đáp trả động thái này, áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa Mỹ như quả anh đào, đậu tương, ô tô, thịt lợn và rượu whisky, đặt các mặt hàng này vào thế bất lợi so với các đối thủ toàn cầu khác.

Denis Depoux từ hãng tư vấn Roland Berger nhận định đối với các sản phẩm đơn giản, sẽ nhanh hơn để chuyển đổi sản xuất, song đối với các sản phẩm phức tạp hơn, điều này sẽ khó khăn.

Chuyên gia này lưu ý các nhà chế tạo nhanh nhất sẽ cần ít nhất một năm để tiến hành quá trình này, và các nông phẩm dường như sẽ đơn giản hơn để thay thế, phụ thuộc vào nguồn có sẵn ở các nơi khác và có thể cần đến khoảng thời gian từ một đến hai vụ mùa.

Đậu tương là một loại nông sản rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc và 1,4 tỷ người dân nước này phụ thuộc vào đậu tương nhập khẩu, chủ yếu từ Mỹ và Brazil (Bra-xin). Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 14 tỷ USD đậu tương từ Mỹ, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này.

Theo nhận định của các nhà giao dịch đậu tương, không một đất nước đơn lẻ nào trồng đủ đậu tương để thỏa mãn nhu cầu của Trung Quốc, khi nước này mỗi năm nhập khẩu khoảng 95 triệu tấn đậu tương, khiến nước này gặp khó trong việc “rời bỏ” Mỹ một cách hoàn toàn.

Nhà giao dịch đậu tương Cui tại Scents Holdings Beijing nhận định ngay khi các mức thuế được áp đặt, điều này sẽ được phản ánh trong giá đậu tương. Giáo sư Si Wei tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm đậu tương từ Nam Mỹ và thậm chí từ cả Tây Âu.

Giáo sư này cho biết Trung Quốc cũng có thể thay thế nguồn cải dầu nhập khẩu từ Mỹ bằng nguồn hàng từ Australia và Canada để làm thức ăn cho động vật.

Hiện tại, Bắc Kinh đang đẩy nhanh hoạt động sản xuất tại các tỉnh phía Bắc nước này, trợ cấp cho nông dân và triển khai chiến dịch quảng cáo. Ủy ban nông nghiệp tại thành phố Trường Xuân, Trung Quốc, khẳng định mở rộng sản xuất đậu tương là nhiệm vụ chính.

Một loại nông sản chủ chốt khác trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung là quả anh đào. Thượng nghị sỹ Mỹ Ron Wyden mới đây cho biết một bộ phận người trồng anh đào Mỹ bày tỏ lo ngại 1,5 triệu hộp anh đào của họ đã sẵn sàng để xuất khẩu sang Trung Quốc có thể bị kẹt lại tại bến tàu hoặc bị hỏng trong nhà kính do động thái trả đũa của Trung Quốc.

Nhà nhập khẩu anh đào tại Bắc Kinh Zhao cho biết các hợp đồng đã ký kết cho vụ thu hoạch anh đào trong năm nay sẽ gây khó cho việc dừng cùng lúc mọi hoạt động mua anh đào của Mỹ.

>>>Trung Quốc không muốn làm gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục