Nông dân Bình Phước phấn khởi vào vụ thu hoạch cà phê có giá cao

12:26' - 23/11/2024
BNEWS Thời điểm này, hộ trồng cà phê tại tỉnh Bình Phước đang bước vào vụ thu hoạch niên vụ năm 2024. Hiện tại, giá thu mua cà phê quả tươi và nhân đang ở mức cao nên nhà nông rất phấn khởi.

Niềm vui được giá

Giá cà phê tăng cao ngay từ đầu vụ 2024 là tín hiệu vui cho nông dân trồng cà phê. Theo các hộ dân trồng cà phê, hiện giá được các thương lái, công ty thu mua dao động trên dưới 113.000đồng/kg. Trước đó, vào tháng 4/2024, giá thu mua cà phê nhân vướt mốc 100.000đồng/kg. Giá cao không những giúp người trồng cà phê tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn có điều kiện tái đầu tư mạnh vào sản xuất và ổn định diện tích. Ghi nhận không khí vào vụ thu hoạch cà phê tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng.

Gia đình bà Nông Thị Nọong ở xã Bom Bo (Bù Đăng) với diện tích trồng cà phê hơn 4 ha đang vào vụ thu hoạch rất phấn khởi. Trong niên vụ 2023, dù sản lượng không bằng năm 2022, nhưng 9 tấn cà phê hạt nhân bán với giá bán 120.000 đồng/kg đã mang lại cho gia đình bà Nọong nguồn thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Bà Nông Thị Nọong cho biết: Vào vụ thu hoạch năm nay, giá thu mua ở mức cao so với 2 năm trước nên trồng cà phê rất vui. Trước đây, giá cà phê thấp nên nhiều hộ ít chăm sóc, thậm chí còn chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Bây giờ, những hộ gia đình giữ cà phê trồng xen với cây điều đang hưởng niềm vui được giá cao.

Sau khi mùa vụ 2023 được một khoản nguồn thu lớn, từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình bà Nông Thị Nọong đã đầu tư chăm sóc thêm với 4 đợt bón phân với số tiền khoảng 140 triệu đồng. “Đầu năm 2024, gia đình tôi bán cà phê nhân được giá cao nên đã có vốn đầu tư. Hiện nay, ở những khu vực có trồng cà phê không khí rộn ràng mùa thu hoạch. Tôi cũng như bà con ở đây, khi đầu mùa giá cao nên mừng lắm. Tôi hy vọng giá cà phê sẽ giữ ở mức như hiện nay để bà con bù lại thời gian cầm cự khi giá xuống thấp, vật tư nông nghiệp ở mức cao”, chị Nọong chia sẻ thêm.

 

Cách vườn bà Nông Thị Nọong hơn 1km, ông Nông Văn Phượng ở xã Bom Bo đang cùng người thân thu hoạch cà phê trồng xen với cây điều. Hàng trăm cây cà phê trồng xem cây điều đang chín dần chính thức vào vụ. Theo ông Phượng, giá cà phê bán quả tươi đang được các đại lý thu mua với giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg. Vì thế khác với mọi năm, năm nay hầu hết nông dân trồng cà phê đều có mặt trong vườn từ sớm để thu hái cà phê.

Dự kiến niên vụ 2024, gia đình ông sẽ thu được 4 -5 tấn cà phê quả tươi. Những năm qua, cà phê giá thấp gia đình không phá bỏ do trồng dưới tán cây điều. Tuy nhiên, với giá mua như hiện nay, cây cà phê sẽ là nguồn thu chính cho gia đình. “Năm nay, nhà nào có vườn cà phê cũng vui mừng vì giá cao và sản lượng đạt hơn năm ngoái. Sau nhiều năm giá xuống thấp thì trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá thu mua cà phê đã tăng trở lại khiến người trồng cà phê rất vui. Hy vọng giá cà phê tiếp tục giữ ổn định như thế này từ nay cho đến cuối vụ để người trồng cà phê có thêm thu nhập. Gia đình tôi ở đây hơn 20 năm đã gắn bó với điều, cà phê, cao su. Khi giá cà phê tăng cao sẽ giúp cho gia đình tôi có thêm nguồn thu ổn định cuộc sống, có thêm chi phí để tái đầu tư cây trồng bền vững phát triển tốt hơn”, ông Phượng chia sẻ.

Còn gia đình anh Mã Văn Hùng cũng ở xã Bom Bo chỉ với 200 gốc cà phê trồng hơn 3 năm đã cho trái trĩu quả. Đây chỉ là cây cà phê trồng xen với vườn điều và sầu riêng. Tuy nhiên, với giá cao như hiện nay, dù diện tích ít nhưng vợ chồng anh Hùng đang thu hoạch và rất vui mừng. “Mọi năm gia đình tôi thu chủ yếu từ cây điều trên 7 tấn, cà phê chỉ phụ thôi. Tuy nhiên, năm nay giá cà phê cao, vườn nhiều trái nên gia đình rất vui khi có thêm thu nhập. Cây cà phê trồng xen với cây điều dù không đạt năng suất cao nhưng nguồn thu thêm cùng với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu ổn định hơn”, anh Hùng phấn khởi.

Hướng sản xuất bền vững

Hiện nay, tình trạng một số người dân thu hoạch cà phê xanh với tỷ lệ lớn vẫn còn khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân một số hộ dân hái cà phê xanh, nhưng chủ yếu do người trồng cà phê thiếu lao động sợ rụng trái khi chín đồng loạt, lo thu hoạch sớm vì sợ bị trộm cắp…

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước thường xuyên tuyên truyền người dân về tác hại của việc thu hoạch cà phê xanh. Vì vậy, nhiều hộ trồng cà phê đã nhận thức được hái cà phê xanh ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng nông sản. Như gia đình bà Nông Thị Nọong ở xã Bom Bo, nhiều năm qua trong quá trình thu hoạch luôn chú trọng chất lượng sản phẩm. Gia đình bà Nọong luôn bắt đầu hái cà phê khi trên cây trái đã chín trên 80%. Theo bà Nọong, những trái cà phê chín sau khi hái về sẽ hạt sẽ chắc và nặng hơn hạt hát trái xanh. Việc hái trái chín sẽ giúp bảo quản được tốt hơn, bán giá tốt.

Trước tình trạng vẫn còn tình trạng hái cà phê xanh, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước liên tục khuyến cáo các địa phương, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh hạn chế thu hoạch cà phê xanh. Khi thu hái cà phê lẫn với số lượng nhiều xanh, non sẽ làm mất sản lượng và giảm chất lượng đối với cà phê thương phẩm.

Hiện tại, diện tích trồng cây cà phê ở Bình Phước hơn 14.000 ha. Đa phần diện tích cây cà phê chủ yếu trồng xen trong vườn điều, cây ăn trái, nhằm tăng năng suất, thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Cà phê được trồng ở khắp các huyện, thị xã trong tỉnh, trong đó huyện Bù Đăng có diện tích trồng lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, định hướng đến 2030, tỉnh Bình Phước phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Các địa phương rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn.

Nhà nông tiếp tục trồng tái canh, ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống cà phê vối có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh (Hữu Thiên, Xanh Lùn, Thiện Trường, TR4, TS1). Đến năm 2030, 80-90% diện tích cà phê trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn. Diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản, diện tích cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm (RA, 4C) khoảng 20-30%; trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tỷ lệ thu hái cà phê đúng độ chín, đạt tiêu chuẩn chất lượng khoảng 80- 90%. Hạt cà phê cần được đảm bảo sạch trong tất cả các khâu: thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp cà phê nguyên liệu... để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích đầu tư các nhà máy sử dụng công nghệ mới, hiện đại chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh. Sản lượng cà phê xuất khẩu đến năm 2030 đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh; trong đó, cà phê chế biến sâu tham gia xuất khẩu đạt khoảng 10-20%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục