Tự do súng đạn - vấn đề nhức nhối tại Mỹ (Phần I)

13:37' - 02/08/2016
BNEWS Súng đạn được xem là một phần của lịch sử và văn hóa Mỹ - đất nước đa sắc tộc. Tuy nhiên, quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi liền với tội ác và máu của những người vô tội.
Tự do súng đạn - vấn đề nhức nhối tại Mỹ. Ảnh: usatoday.com

Dân số Mỹ khoảng 315 triệu người, có tới hơn 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trong xã hội. Những vụ xả súng liên tiếp gần đây đã khiến dư luận nước Mỹ trải qua nhiều cảm giác lẫn lộn, từ bàng hoàng, lo sợ đến giận dữ.

Hơn thế nữa, người ta cũng không thể không nghĩ về một vấn đề đã khiến báo chí trong và ngoài nước Mỹ tốn rất nhiều giấy mực, đó là luật kiểm soát súng đạn.

Tự do hay bi kịch?

Súng đạn đang thực sự là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ, bởi những vụ xả súng đã vượt ngoài tầm kiểm soát của các nhà chức trách. Nạn nhân thiệt mạng hoặc bị thương là những người vô tội lên tới hơn 100.000 người mỗi năm, trong đó có hơn 7.000 trẻ em.

Theo thống kê, trung bình 89 người chết mỗi ngày và 32.514 người chết mỗi năm vì bạo lực súng đạn ở Mỹ - nơi dân số chỉ chiếm 4,43% dân số toàn cầu nhưng số người sở hữu súng chiếm tới 42% tổng số người sở hữu súng trên toàn thế giới.

Trang mạng Shootingtracker.com, chuyên theo dõi các vụ xả súng cho biết trong năm 2015 nước Mỹ có gần 400 vụ xả súng, tính trung bình hơn một vụ mỗi ngày.

Trung bình hàng năm, bạo lực súng đạn ở Mỹ gây tổn thất trên 229 tỷ USD, trong đó 8,6 tỷ USD chi phí liên quan tới việc cầm tù dài hạn những người có khả năng tấn công và sát thương bằng súng, 221 tỷ USD để chữa trị, ổn định cuộc sống của các nạn nhân bị thương và mai táng những người thiệt mạng.

Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền, Zeid Ra'ad al-Hussein đã yêu cầu Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn. Ông Zeid chỉ trích cái gọi là sự "tuyên truyền ủng hộ súng ống vô trách nhiệm" và đặt câu hỏi phải có bao nhiêu vụ xả súng giết người bừa bãi nữa ở Mỹ thì các nhà lập pháp mới chịu hành động.

Ông Zeid cho rằng việc tiếp cận vũ khí dễ dàng làm cho có rất ít khoảng cách giữa ý muốn giết người và hành động giết người, và thân nhân những người thiệt mạng vì hành vi xả súng bừa bãi muốn có các biện pháp kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên các nhóm ủng hộ việc sở hữu vũ khí vẫn có những lý lẽ riêng. Quan điểm của họ là "Súng không giết người. Người giết người". Muốn ngăn chặn tội phạm, phải giải quyết gốc của vấn đề là người phạm tội, chứ không phải là cấm buôn bán vũ khí.

Nếu một người đã quyết tâm phạm tội thì họ vẫn có rất nhiều phương tiện khác, hoặc tìm mua súng lậu. Nếu như tội phạm có thể mua súng lậu, còn người dân lương thiện không có súng tự vệ, thì tình hình bạo lực có thể còn tệ hơn.

Từ năm 2000 đến nay, số vụ giết người bằng vũ khí giảm, còn số vụ giết người để tự vệ lại tăng. Những nhóm đòi cấm vũ khí cho rằng có được xu hướng này là nhờ luật cấm vũ khí ngày càng khắt khe, nhưng còn cần phải làm tốt hơn nữa để giảm bớt những vụ giết người dưới danh nghĩa "tự vệ".

Trung bình 89 người chết mỗi ngày và 32.514 người chết mỗi năm vì bạo lực súng đạn ở Mỹ. Ảnh: denverpost.com

Ngược lại, các nhóm ủng hộ vũ khí cho rằng xu hướng này phản ánh việc người dân sử dụng vũ khí có trách nhiệm và hiệu quả hơn, và rằng việc chống tội phạm nằm ở chỗ xã hội sử dụng vũ khí có trách nhiệm hơn, chứ không phải cấm vũ khí.

Thống kê mới đây cho hay có khoảng 270 triệu khẩu súng dân sự lưu hành ở Mỹ, tức 88% người dân Mỹ sở hữu súng, 200.000 trường hợp phụ nữ dùng súng mỗi năm để tự vệ trước hành vi tấn công tình dục, 3/5 số tội phạm thú nhận rằng chúng sẽ chùn bước khi nhận ra nạn nhân được vũ trang.

Càn làm gì để ngăn chặn

Trong khi chính quyền Tổng thống Barack Obama vẫn chật vật đi tìm lời giải cho bài toán kiểm soát súng đạn thì vụ xả súng tàn bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ bất ngờ xảy ra tại thành phố Orlando (bang Florida).

Rạng sáng ngày 12/6 (giờ địa phương), Omar Mateen (30 tuổi, người Mỹ gốc Afghanistan) đã xả súng bên trong hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính, làm ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 người khác bị thương.

Sau đó, Mateen nhanh chóng bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với cảnh sát. Khi sự việc còn chưa kịp lắng xuống, thì tối ngày 7/7 (giờ địa phương) tại thành phố Dallas (bang Texas), năm cảnh sát Mỹ đã bị bắn chết trong cuộc biểu tình phản đối cảnh sát sử dụng bạo lực sau cái chết của hai người da đen là Philando Castile tại bang Minneapolis và Alton Sterling tại bang Louisiana.

Tới ngày 17/7, tại thành phố Baton Rouge, một vụ nổ súng lại xảy ra giữa một người đàn ông da màu và một số cảnh sát da trắng, khiến ba cảnh sát thiệt mạng và ba người khác bị thương. Nhà chức trách Mỹ xác định danh tính thủ phạm là Gavin Long, 29 tuổi, đến từ thành phố Kansas, bang Missouri, từng phục vụ trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và đối tượng này đã bị tiêu diệt.

Xem tiếp phần II tại đây

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục