Ứng dụng công nghệ cho phát triển và thích ứng với biến đổi khí hậu

06:48' - 24/05/2018
BNEWS Giáo sư Finn Kydland - nhà khoa học đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2004, và ông Gael Giraud – nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên TTXVN.

Bên lề hội thảo “Khoa học vì sự phát triển” trong khuôn khổ chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14 được tổ chức mới đây tại Bình Định, giáo sư Finn Kydland (người Na Uy), là một trong hai nhà khoa học đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2004, và ông Gael Giraud – nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã có cuộc trao đổi ngắn với phóng viên TTXVN.

Giáo sư Nobel Kinh tế Finn Kydland. Ảnh: Vietnamnews

•    Giáo sư Nobel Kinh tế Finn Kydland: Hãy trao cơ hội học tập, giới trẻ sẽ sẵn sàng tham gia xây dựng đất nước

Phóng viên (PV): Xin giáo sư Finn Kydland cho biết những đánh giá của ông về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Finn Kydland: Qua những điều tôi biết về Việt Nam trên báo chí, tôi thấy được sự sẵn sàng của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút các công ty nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam.

Theo tôi, đây là một ý tưởng tốt trong giai đoạn nền kinh tế đang phát triển như hiện nay. Bởi các đối tác nước ngoài có thể tạo động lực tăng trưởng tốt cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời, doanh nghiệp Việt cũng có thể học hỏi nhiều điều từ các doanh nghiệp nước ngoài.

PV: Hội thảo “Khoa học để phát triển” vừa tổ chức có tác động ra sao tới ngành khoa học công nghệ Việt Nam, thưa ông?

Giáo sư Finn Kydland: Hội thảo lần này là một cuộc gặp gỡ của các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học quốc tế có thể học hỏi nhiều điều từ hội thảo. Tôi nghĩ việc phối hợp tổ chức những hội thảo như thế này là một sáng kiến lớn. Thế giới đánh giá cao điều này và tôi nghĩ phía Việt Nam cũng vậy.

PV: Trước những khó khăn trong phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam, làm sao để ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế?

Giáo sư Finn Kydland: Theo tôi, có rất nhiều cách để làm được điều đó. Một trong số đó là có thể học hỏi công nghệ từ nước ngoài. Có rất nhiều công nghệ sẵn có trên thế giới có thể áp dụng được với chút thay đổi cho phù hợp với tình hình riêng của Việt Nam.

Đồng thời, cũng cần tăng tính hiệu quả của hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là giáo dục đại học, để có nguồn nhân lực tri thức cao, tay nghề cao, có khả năng sử dụng các công nghệ nước ngoài và áp dụng vào Việt Nam. 

PV: Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm làm sao để giới trẻ say mê khoa học công nghệ, góp phần phát triển đất nước?

Giáo sư Finn Kydland: Tuổi trẻ đã sẵn có nhiều hoài bão, cũng không cần phải thúc đẩy họ hướng tới những điều tốt đẹp. Vẫn đề là tạo cơ hội cho họ, thông qua hệ thống giáo dục, để họ có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ. Điều đó sẽ phục vụ cho sự phát triển của đất nước và hữu ích cho cả bản thân họ.

•    Ông Gael Giraud – Nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD): Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể

Ông Gael Giraud – Nhà kinh tế trưởng của Cơ quan Phát triển Pháp

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể bất chấp những khó khăn do thay đổi khí hậu và trái đất nóng lên. Việt Nam lại là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu.

Trong những cuộc trao đổi của tôi với Chính phủ Việt Nam, tôi thấy Chính phủ rất coi trọng vấn đề này nên đã có một tầm nhìn dài hạn. Đây là một tín hiệu rất khả quan.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu mà lại là khu vực sản xuất ra nhiều lúa gạo nhất ở Việt Nam. Khu vực này đang chịu ảnh hưởng cả từ sự dâng lên của mực nước biển và tình trạng sụt lún đất liền.

Chính phủ Việt Nam cần phải nghiên cứu tìm ra giải pháp để ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo. Việt Nam cũng nên tìm hiểu về mô hình hợp tác công tư với trọng điểm là lợi ích chung giữa các cộng đồng cư dân và nhà nước.

Pháp tham gia vào nhiều dự án phát triển tại Việt Nam, trong đó có dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Sài Gòn, các công trình chống biến đổi khí hậu ở miền Trung. Chính phủ Pháp và AFD nói riêng sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong tương lai, theo đúng tinh thần của cuộc gặp gỡ cao cấp gần đây nhất giữa hai nhà nước. AFD sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu phát triển xanh và quản lý nợ công./.

>>> Khám phá không gian khoa học hấp dẫn chỉ Quy Nhơn mới có!

>>> Giáo sư Trần Thanh Vân và điểm hẹn khoa học ICISE

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục